Nhân giống mai 'độc'

Mai xuân được xem là loại hoa quý phái đem đến nhiều tài lộc cho người chơi vào dịp Tết. Nếu nhiều nơi chơi mai bằng cách trồng cây mai thật to, cành lá xum xuê, khi trổ hoa thì vàng rực kín cả thân, cành thì vùng mai Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bình Định) lại được biết đến là nơi trồng mai xuân bonsai lớn nhất nước. Đã từ rất lâu, cả người trồng và chơi mai nơi đây luôn chú trọng vào gốc, thân và dáng thế trước khi nói đến hoa.

Làng mai Thanh Liêm, một trong năm làng nghề trồng mai truyền thống của xã Nhơn An, đang hướng đến nét mới của mai, đó là giống mai “độc”. Trong số những giống mai đang được tuyển chọn làm giống đầu dòng tại đây, có những giống được lai tạo tự nhiên, âm thầm trong vườn mai như một sự biến thiên, một niềm tin mới của tạo hóa đem lại điều tươi mới trong cuộc sống của người trồng mai Nhơn An.

Hoa mai “Tỉ muội”.


* Mai tỉ muội

Vườn mai xuân Sáu Hồng của nghệ nhân Phan Văn Sáu ở làng mai Thanh Liêm vào những ngày Tết, rực sáng một vùng vàng đậm của hoa mai. Vườn mai 6.000 cây được anh bán bớt đi mấy trăm gốc trước Tết có mấy chậu hoa mai vàng nghệ đậm, rất đẹp. Điều đặc biệt là hầu hết mai trên cành rủ nhau cùng nở. Nhìn cành mai đặc những hoa vừa nở nụ hàm tiếu, ai cũng phải trầm trồ thán phục. Hoa nở trước và nở sau cách nhau không nhiều, trông rất giống hoa hồng tỉ muội trên vùng cao nguyên Langbiang Lâm Đồng.

“Mai tỉ muội” là cái tên tạm gọi cho loại hoa mai này, bởi ngay nghệ nhân Phan Văn Sáu cũng chưa biết gọi tên loại hoa này là gì mà chỉ bảo “hoa nó giống hoa tỉ muội”. Từng chùm hoa từ 20 – 30 bông cùng chúm chím hàm tiếu trên một chi mai, mỗi một tay (cách người trồng mai hay gọi chi – nhánh lớn của cây), có nhiều chi nhỏ như thế. Dường như chúng rủ nhau cùng nở như chị em ruột thịt ngoài đời biết trò chuyện cùng nhau; hoa nở trước lớn hơn hoa nở sau với tỉ lệ nhỏ.

Mỗi hoa có đến trên 12 cách túm tụm vào nhau hướng về phía trước và rực màu vàng nghệ tươi đậm. Theo nghệ nhân Phan Văn Sáu, anh không biết và không cố tình tạo ra loại mai này, mà đây là một trong những điều kỳ lạ của tự nhiên, theo cách lai tạo tự nhiên.

Vườn mai rộng lớn của anh Sáu có rất nhiều loại mai. Sau mười mấy năm chăm sóc, trồng mai, thỉnh thoảng khi anh ươm giống, mai lại cho ra một loại hoa hơi khác với bản thân cây mẹ. Đó là do trong quá trình hoa mai nở, ong, bướm mang phấn giống hoa này thụ lên giống hoa khác và tạo ra chúng.

Tết Quý Tỵ 2013, anh Sáu chưa dám cho “xuất xưởng” loại hoa mai quý phái, yểu điệu và duyên dáng này mà “phải để mấy năm nữa, nhân giống nhiều đã, loại hoa đẹp như thế này chắc chắn thị trường sẽ rất chuộng” – nghệ nhân Sáu tự tin.

* Ngọc mai và trắc mai


Ngọc mai, không phải màu xanh đã có nơi trồng được, cũng không phải tuyết mai màu trắng. Hoa ngọc mai có màu lơ lơ giữa vàng – trắng – xanh nhạt. Nhưng tuyệt nhiên, loại hoa này không đơn điệu, không nhàm chán mà màu hoa có nét đặc trưng riêng. Nếu nói về màu hoa thì ngọc mai tựa như đứa em út trong vườn mai hàng ngàn cây rực vàng của nghệ nhân Phan Văn Sáu.

Cách nở của ngọc mai cũng gần giống với hoa thanh mai hương, chỉ khác là cách không bung thẳng hết mà hơi lượn và túm, khi nở hết, ngọc mai như đóa sen thu nhỏ. Nói về loại ngọc mai này, anh Sáu cũng cho biết, hoa có được qua quá trình chọn lọc tự nhiên, anh nhận ra sự độc đáo của nó và đang cố nhân giống nhiều hơn để bán ra thị trường mỗi độ xuân về.

Riêng trắc mai thì có sự độc đáo và kỳ lạ hơn nữa. Trong vườn mai 6.000 cây của anh Sáu hiện có 2 cây trắc mai, chúng chỉ cao khoảng 40cm mà đã trên 5 năm tuổi. Đây là loại mai chậm lớn nhất mà nghệ nhân Sáu từng biết cho dù cây được chăm sóc rất kỹ và dấu hiệu phát triển bình thường.

Nhưng khác với các loại mai khác, cành nhánh khi mọc hướng ra từ phía, cành nhánh của trắc mai ôm trọn lấy cây hướng lên phía trên trông giống đuôi sao chổi. Cành nhánh thì rất nhiều, dày đặc; lá mai thì bé tẹo, bề ngang lớn nhất chừng 3mm, và nguyên nhân khiến cho trắc mai chậm lớn cây có lẽ vì mọi thứ dinh dưỡng cây hấp thu được đều dành cho hoa. Trên mỗi nhánh của trắc mai có đến hàng trăm nhánh nhỏ và ngắn đều tăm tắp, trên mỗi nhánh nhỏ đó là mỗi nụ hoa. Hoa trắc mai cũng có màu sắc rất đẹp.

Nghệ nhân Sáu cho biết: “Trong quá trình lai tạo giống mai thì phát hiện loại hoa này đã bị đột biến gien. Sự độc đáo của nó cũng thu hút được nhiều lão nghệ nhân trồng mai, và sau khi tham khảo thì tạm gọi loại hoa này là trắc mai”. Với kiểu dáng tự nhiên của trắc mai, anh Sáu sẽ tạo dáng cho chúng theo thế bạt phong (cành lá đưa theo về một hướng như được gió thổi lùa). Hiện tại, đây là một giống mai hiếm.

* Thanh mai hương và giảo Indo


Thanh mai không quá xa lạ với nhiều người chơi mai ở một số vùng trong nước, nhất là xứ Huế. Theo quan niệm của người dân đất cố đô, lộc mới ra của lá không đỏ như các loại mai khác mà phải hoàn toàn màu xanh, đó là ‘lộc biếc’. Hoa của thanh mai không cần nhiều lớp, cũng không cần kín cả vòng tròn mà có thể hở, chỉ cần đây là loại hoa có 5 cánh hoa theo quan niệm luân hồi (sinh - lão - bệnh - tử - sinh).

Người chơi mai nhiều nơi lâu nay cũng quan niệm một điều gần như bất di bất dịch, đó là đã chơi mai thì không thể có hương thơm. Quan niệm này đã được chứng minh là sai lầm. Tại các làng mai An Nhơn, hầu hết các loại mai đều có mùi hương thơm dễ chịu. Khi bước vào vườn mai đang nở của nghệ nhân Phan Văn Sáu, người thưởng lãm nhận ra ngay mùi thơm của mai phảng phất xa xa. Vào giữa vườn mai, mùi hương cũng không hề gắt, đó là mùi của mai hương. Sau nhiều năm, nhà vườn ở Nhơn An đều đã cho phần lớn các giống mai đều có mùi hương của mai hương.

Nghệ nhân Phan Văn Sáu đang cố công lai tạo ra thật nhiều mai kết hợp giữa thanh mai và mai hương để tạo thành loại thanh mai hương thu hút người chơi. Thực tế anh đã lai tạo được giống này nhưng chưa nhiều.

Tại những nơi bán hoa mai vào dịp Tết, có rất ít người mua hoa biết về giống hoa mà thường chú trọng về dáng thế, thân – tay của mai. Nếu chịu khó, người chơi mai dễ dàng nhận ra các giống mai hương và giảo là phổ biến nhất hiện nay. Mai hương có đặc trưng là từ 8 – 12 cánh hoa khép kín vòng hoa và có mùi hương; giảo thì có thể nhiều cánh hơn, màu sắc đậm nét đẹp, cánh hoa thì mềm hơn và cũng có mùi hương.

Nhiều nhà vườn chỉ gọi là mai giảo, có người lại gọi giảo Indo. Tuy nhiên không phải giống hoa này có xuất xứ từ đất vạn đảo mà được một người tên Giảo nhân giống đầu tiên – theo một số nhà vườn Nhơn An cho hay.

* Nữ hoàng mai và mai cúc vạn thọ

Đúng như tên gọi, mai nữ hoàng có màu vàng đậm rất tươi. Hoa có 3 lớp cánh xếp chồng lên nhau, bông hoa rất to, đường kính chừng 10cm. Điều hay của mai nữ hoàng là khi nở hết, cánh hoa vẫn còn túm lại và hướng về phía trước rất cung kính và quý phái. Khi hoa bị tàn, chúng cũng không rớt cánh hoa như xác pháo mà túm nhau lại trên bông. Các nhà vườn ở Nhơn An hiện bắt đầu nhân giống rất nhiều loại hoa đẹp này để cung cấp cho thị trường.

Riêng mai cúc vạn thọ lại có nét khác biệt, hoa có rất nhiều cánh xếp chồng lên nhau, mỗi hoa có đến 30 – 50 cánh hoa xếp nhiều lớp dày đặc như hoa cúc vạn thọ nên được gọi mai cúc vạn thọ. Những người chơi mai thích hoa nhiều, cánh nhiều, vàng kín thì nên chọn giống mai này. Mỗi khi hoa nở rộ thì vàng kín cả vùng, rực rỡ.

Nghệ nhân Phan Văn Sáu cho biết, anh đang phối hợp cùng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn và Trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định phối hợp tạo ra giống mai đầu dòng cho các giống mai thanh mai hương, giảo Indo, mai cúc vạn thọ để góp phần tạo nên thương hiệu mai xuân bonsai Nhơn An. Ngọc mai đang được anh nhân giống thuận lợi và trắc mai vẫn là loại quý hiếm. Mai nữ hoàng thì đang được nhân giống, trồng nhiều để cung cấp cho thị trường.

Mùa xuân, hoa mai đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho người chơi. Chỉ sau vài ngày chơi Tết, từ mồng 7 Tết, các nhà vườn lại bắt đầu chăm sóc vườn mai cho mùa xuân tới. Với các nhà vườn ở Nhơn An, những giống mai mới hứa hẹn sẽ đem nhiều tài lộc, may mắn hơn nữa vào những mùa xuân tiếp theo.


Bài, ảnh: Ly Kha

Cây mai đỏ
Cây mai đỏ

Tiễn người khách ra xe cùng chị Nhàn, ông Hà quay lại nhìn vào đám đất trước đây trồng cây mai đỏ, đôi mắt ông dường như có giọt lệ rơi, ông tự nhủ lòng mình: Con người ta sống phải vì hạnh phúc của người khác...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN