Robot này mang tên IceNode, là những thiết bị lặn hình trụ, dài khoảng 2,4 m, với đường kính 25 cm, được thả từ các lỗ khoan trên băng hoặc từ các tàu trên biển. Các thiết bị này sẽ trôi theo dòng hải lưu, sử dụng phần mềm định hướng đặc biệt, để đến được vùng tiếp giáp giữa thềm băng nước ngọt với nước mặn của đại dương và đất liền. Khi đến mục tiêu, IceNode sẽ được cố định vào mặt dưới của thềm băng và liên tục ghi lại dữ liệu từ bên dưới lớp băng trong tối đa một năm, bao gồm cả các biến động theo mùa, sau đó sẽ trôi lại ra biển và truyền dữ liệu qua vệ tinh.
Mất hàng nghìn năm để hình thành, thềm băng là những tảng băng nổi gắn chặt với đất liền, có vai trò giống như những cột trụ giữ lại các sông băng, ngăn không cho các sông băng này trượt ra đại dương và làm nước biển dâng. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình vỡ vụn bên ngoài các tảng băng trôi đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn khả năng tái tạo tự nhiên của thềm băng. Bên cạnh đó, nhiệt độ đại dương tăng cao đang làm xói mòn các thềm băng từ bên dưới, một hiện tượng mà các nhà khoa học hy vọng sẽ kiểm tra với độ chính xác cao hơn bằng các máy thăm dò IceNode.
Một nghiên cứu của JPL công bố vào năm 2022 cho thấy tình trạng mỏng đi và vỡ vụn đã làm khối lượng thềm băng Nam Cực giảm khoảng 12.000 tỷ tấn kể từ năm 1997, gấp đôi những ước tính trước đó. Theo NASA, nếu tan chảy hoàn toàn, việc thềm băng của lục địa biến mất sẽ làm mực nước biển toàn cầu dâng thêm khoảng 60m.
Vào tháng 3, Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) của NASA đã thử nghiệm một nguyên mẫu IceNode bên dưới vùng biển đóng băng Beaufort ở phía Bắc Alaska. Trong thí nghiệm này, nguyên mẫu IceNode đã lặn xuống độ sâu 100m để thu thập dữ liệu về độ mặn, nhiệt độ và dòng chảy.
Theo thông tin đăng trên trang chủ của NASA, những robot này giúp đưa các thiết bị khoa học tới những nơi khó tiếp cận nhất trên Trái Đất. Mục tiêu của các máy thăm dò này là cung cấp dữ liệu chính xác hơn để đánh giá tốc độ nước biển ấm lên ở khu vực xung quanh Nam Cực đang làm tan chảy băng ven biển của lục địa. Điều này cho phép các nhà khoa học cải thiện các mô hình máy tính để dự đoán mực nước biển dâng trong tương lai.
Trước đây, các nhà khoa học theo dõi tình trạng thềm băng mỏng đi thông qua các thiết bị vệ tinh có khả năng đánh giá sự thay đổi chiều cao của băng.