Theo nhà khoa học về khí hậu vùng cực Thomas Caton Harrison, nhiệt độ cao không phải là điều mới lạ ở lục địa này, tuy nhiên thời tiết ấm áp kéo dài lại là điều bất thường. Cụ thể, số liệu cho thấy nhiệt độ gần bề mặt trung bình trên toàn Nam Cực vào tháng 7 cao hơn 3,1 độ C so với mức bình thường trong tháng. Với số liệu này, đây là tháng 7 ấm thứ hai ở Nam Cực kể từ năm 1979, xếp sau tháng ấm nhất được ghi nhận là tháng 7/1981.
Theo dữ liệu của Đại học Maine thuộc bang Maine (Mỹ), nhiệt độ trung bình hàng ngày ở Nam Cực đã dao động từ -34,68 độ C vào ngày 15/7 đến -28,12 độ C vào ngày 31/7. Ngày 7/8 ghi nhận nhiệt độ trung bình trên lục địa là -26,6 độ C.
Nhiệt độ trung bình bất thường trong tháng 7 thậm chí đạt mức 9-10 độ C trên một số vùng của Dronning Maud Land và một phần của Biển Weddell ngoài khơi phía Đông khu vực.
Nam Cực là lục địa lạnh nhất, nhiều gió nhất và có ít người dân nhất trên hành tinh, tuy nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu. “Lục địa băng” cũng phải đối mặt với nguy cơ nhiệt độ cao bất thường, gây ra tình trạng tan băng rộng hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điểm tới hạn mới, hướng tới "sự tan chảy không kiểm soát" của các tảng băng Nam Cực, do nước biển ấm xâm nhập giữa băng và vùng đất phía trên. Với sự gia tăng nhiệt độ đại dương, vốn là hệ quả của hiện tượng Trái Đất ấm lên do con người gây ra, các tảng băng Nam Cực đang tan chảy, dẫn tới nguy cơ mực nước biển toàn cầu dâng cao và gây nguy hiểm cho các cộng đồng ven biển.