Với xu thế này, IEA cho rằng đến năm 2030, khí đốt tự nhiên sẽ trở thành nguồn năng lượng được sử dụng nhiều thứ 2, thay thế than đá, song vẫn xếp sau dầu mỏ. Báo cáo của IEA xác định nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới sẽ tăng 25% trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2040.
Trong đó, nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ tăng 1,6% theo từng năm và tăng tới 45% vào năm 2040 so với thời điểm hiện tại. Cũng trong khoảng thời gian này, nhu cầu năng lượng điện sẽ tăng từ mức 25% hiện nay lên hơn 40%, trong khi nhu cầu năng lượng than đá giảm còn 25%.
Các số liệu ước tính nói trên dựa vào báo cáo "Viễn cảnh các chính sách mới" của IEA vốn được sử dụng làm căn cứ để đưa ra văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách về giảm lượng khí thải và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cũng theo IEA, Trung Quốc, hiện là nước nhập khẩu dầu mỏ và than đá lớn nhất thế giới, sẽ sớm trở thành nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới với tổng lượng khí đốt nhập khẩu bằng Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2040.
Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của cơ quan hải quan Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đã vượt Tokyo trở thành nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên số 1 thế giới. Mặc dù, Trung Quốc là nước tiêu thu khí đốt tự nhiên đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga, song lượng khí đốt nhập khẩu vào nước này vượt 40% so với nhu cầu thực tế do hoạt động sản xuất trong nước không theo kịp nhu cầu tiêu thụ.
Trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi ở châu Á sẽ chiếm khoảng 50% nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu và nhu cầu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng theo đó cũng sẽ tăng gấp 2 lần, lên 60% vào năm 2040.
Về nguồn cung khí đốt, báo cáo của IEA cho biết Mỹ sẽ chiếm 40% mức tăng trưởng tổng sản lượng khí đốt toàn cầu năm 2025.
Trong khi đó, lượng khí thải CO2 sản sinh trong quá trình tiêu thụ các nguồn năng lượng, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, dự báo sẽ tăng 10% lên 36 gigatone vào năm 2040. Thực tế này hoàn toàn trái ngược so với mong đợi của giới khoa học trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.