GS.TSKH. Phạm Hồng Giang (ảnh dưới), nguyên Thứ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và
phát triển nguồn nước Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đập lớn thế giới (ICOLD). Tin tức có bài phỏng vấn chuyên gia Phạm Hồng Giang về các vấn đề an toàn của đập thủy điện:
PV: Hiện nay đang có những tranh
cãi về sự an toàn của các đập nước, chủ yếu là các đập thủy điện. Xin Giáo sư
cho biết, lợi ích của việc tạo ra năng lượng từ sức nước có đủ biện minh cho việc
xây các đập lớn có thể gây hại cho con người và môi trường?
Giáo sư Phạm Hồng Giang:
Hiện nay thủy điện chiếm 16% tổng sản lượng điện thế giới. Thủy điện có những
ưu điểm gì? Trong khi sản lượng điện từ than, dầu mỏ,…đang dần cạn kiệt thì thủy
điện là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh viễn (chưa khai thác thì cũng là bỏ
phí), được coi là năng lượng sạch không tạo ra các chất khí làm ảnh hưởng đến sự trong lành của bầu
khí quyển (chỉ trừ trường hợp đáy hồ thủy điện có cấu tạo địa chất rất đặc biệt
làm phát sinh một lượng nhỏ khí methal).
Thủy điện còn là nguồn năng lượng rất
linh hoạt, tức là chúng ta có thể tăng giảm sản lượng điện theo yêu cầu phụ tải
bằng cách đóng, mở van nước vào nhà máy thủy điện. giúp cho việc điều chỉnh lượng điện lúc thấp
điểm và lúc cao điểm. Nếu phải làm việc này ở
các nhà máy nhiệt điện hay điện hạt nhân thì mất nhiều thời gian hơn
và rất tốn kém.
Thủy điện có ưu điểm như vậy nên trên thế
giới có nhiều quốc gia phát triển đã khai thác hết nguồn thủy năng và có sản lượng
lớn, chẳng hạn như Na Uy (gần 99% sản lượng điện toàn quốc là thủy điện), Thụy
Sĩ, Italia, Áo…
Một số nước phát triển khác như Hoa Kỳ,
Canada.. tuy đã có sản lượng thủy điện lớn song do nguồn thủy năng còn dồi dào
nên vẫn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thủy điện.
Các nước đang phát triển đã và đang đạt những kỷ lục thế giới về sản lượng cũng như về qui mô các nhà máy thủy điện. |
Các nước đang phát triển ở châu Á như
Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ,… và ở Nam Mỹ như Brazil, Argentina,
Venezuela,… đã và đang đạt những kỷ lục thế giới về sản lượng cũng như về qui
mô các nhà máy thủy điện.
Các nhà máy thủy điện lớn hàng đầu thế
giới là Tam Hiệp 22GW (Trung Quốc) trên sông Dương Tử, Itaipu 14GW(Brazil) trên
sông Amazon, Guri 10,3GW (Venezuela) trên sông Caroni. Đến năm 2015, dự kiến sẽ
hoàn thành các đập Belo Monte 11,3GW (Brazil) trên phụ lưu Xingu của sông
Amazon và Xiluodu 13,86GW (Trung Quốc)
trên phụ lưu Jinsha của sông Dương Tử.
Brazil còn đang chuẩn bị dự án thủy điện có công suất 37 GW.
Chỉ có châu Phi có tiềm năng dồi dào
nhưng sản lượng thủy điện hiện rất nhỏ bé.
Thủy điện ở VN chiếm 34% tổng sản lượng
điện cả nước và đang phát triển rất mạnh trong vài thập kỷ gần đây. Những nhà
máy thủy điện lớn nằm ở Tây Bắc, dọc Trường Sơn, Tây Nguyên… Thủy điện đóng góp
xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly,...
đã góp phần giữ an ninh năng lượng, giúp chúng ta vượt qua giai đoạn đặc biệt
khó khăn về kinh tế trong thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước.
Việt Nam được đánh giá là phát triển thủy
điện khá ở trong khu vực và thế giới. Các máy thủy điện lớn nhất nước là Sơn La
(2,4 GW), Hòa Bình (1,9 GW) và Lai Châu
(1,2 GW, đang xây dựng) đều là các bậc thang trên sông Đà.
PV: Như vậy, theo Giáo sư, thủy điện
chỉ toàn là dấu cộng, phải không ạ?
GS Phạm Hồng Giang:
Không hẳn vậy. Thủy điện cũng có nhược điểm là gây tác động nhất định đến môi
trường và gây ngập do tạo hồ chứa, làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong
vùng.
Tác động làm thay đổi môi trường là điều
khó tránh khi con người tiến hành các hoạt động phát triển, xây dựng các công
trình. Sự thay đổi này không phải lúc
nào cũng gây hậu quả tiêu cực. Nó có thể tạo ra sự cân bằng mới về môi trường.
Hầu hết các hồ chứa ở các nước phát triển đều là những nơi nghỉ dưỡng, du lịch
hấp dẫn.
Tác động tiêu cực của thủy điện đến môi
trường trước hết là sự thay đổi về dòng chảy. Lưu lượng dòng chảy ở hạ du không
còn tự nhiên nữa mà mang tính ‘nhân tạo’ tùy thuộc vào sự vận hành nhà máy thủy
điện. Ngoài ra nếu chuyển dòng khi phát điện thì lưu lượng trên dòng cũ thay đổi
lớn.
Các đập thủy điện ngăn nước rồi nắn dòng
để đổ nước ra khúc sông khác khiến cho có những vùng thiếu nước nghiêm trọng.
Đã xảy ra ở nước ta tình trạng khô hạn gay gắt ở hạ du các nhà máy thủy điện.
Nước sông Hồng tại Hà Nội và vùng phụ cận có lúc đã bị cạn kiệt khủng khiếp.
Vì vậy sự quản lý điều hành thủy điện cần
phải dựa trên nguyên tắc sử dụng nguồn nước với hiệu quả tổng hợp và bền vững.
Trong một số mùa lũ ở miền Trung, các hồ
chứa thủy điện bị ‘buộc tội’ đã làm tăng lũ. Theo nguyên tắc sử dụng tổng hợp
nguồn nước, các hồ chứa thủy điện lớn phải có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du.
Việc vận hành để hồ chứa có thể cắt giảm
lũ cho hạ du mà không ảnh hưởng đến sản
lượng điện đòi hỏi những phân tích rất tỷ mỷ và dự báo thủy văn chính xác. Khi
mức nước hồ sau lũ dâng cao hơn so với trước lũ thì hồ đã làm giảm nhẹ lũ và
ngược lại. Căn cứ vào quan trắc này mà có thể kết luận về ‘tội’ của thủy điện
trong lũ.
Trước khi tích nước trong hồ chứa, lòng
hồ phải được phát quang, nếu có thiệt hại về rừng thì cần xem xét kỹ lúc duyệt
dự án. Trong vùng ven hồ và rộng ra nữa là cả lưu vực của hồ thì phải bảo vệ và
phát triển rừng. Nếu nhân việc xây dựng hồ đập mà phá rừng thì đó là hành vi phạm
pháp.
Xảy ra tình trạng này là do yếu kém
trong quản lý rừng. Không phải thủy điện bao giờ cũng kèm theo
phá rừng.
Đền bù và tái định cư cho người dân khi
xây dựng hồ đập để họ có cuộc sống mới ổn định luôn là vấn đề nhạy cảm và là
yêu cầu không dễ giải quyết. Các chủ đầu tư thủy điện chưa chú trọng đúng mức việc này.
PV: Còn về vấn đề an toàn đập thì
sao, thưa Giáo sư? Các con đập có thể bị vỡ trong trường hợp xảy ra động đất
hay do có sai sót trong thiết kế, thi công.
GS Phạm Hồng Giang:
Trong các loại nhà máy điện, sự mất an toàn của nhà máy điện hạt nhân gây thiệt
hại lớn nhất, sau đó là đập thủy điện có tạo nên hồ chứa. Khi vỡ đập, nước trong hồ đổ xuống hạ du tàn
phá những vùng rộng lớn.
Đập và nhà máy thủy điện bị mất an toàn
vì chúng có chất lượng kém do mắc những sai sót trong thiết kế, thi công, quản
lý,.. do thời gian sử dụng đã quá lâu và còn do thiên tai (lũ quá lớn, động đất,…),…
Tuy
nhiên, khoa học và công nghệ xây dựng đập đã cho những giải pháp thích ứng và
chủ động đảm bảo an toàn đập.
Trong
những năm gần đây, các đập lớn trong vùng bị động đất vẫn an toàn. Ví dụ năm 2008 tuy xảy ra trận động đất rất lớn
ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) với cường độ gần 9o Richter , nhưng các đập
trong vùng vẫn an toàn. Chỉ cách tâm chấn gần 20km có đập Zupingpu (Tử Bình Phố)
là đập đá phủ măt bê tông, cao 156 m, chỉ bị xô lệch chút ít chứ không bị vỡ.
Khi
xảy ra động đất và sóng thần ở Tohoku (Nhật Bản) tháng 3/2011, cũng chỉ có một
con đập thủy lợi rất nhỏ bị hư hại. Rất nhiều vùng luôn bị động đất song vẫn
phát triển mạnh đập và thủy điện như Nhật
Bản, Trung Quốc (vùng tây nam), Iran, các nước Trung Á,…
Ở
Việt Nam cho đến nay đã xảy ra một số sự cố, trong đó có trường hợp vỡ đập,
song mới chỉ vỡ những đập nhỏ. Đập thủy điện lớn ở nước ta theo thiết kế có thể
chịu được động đất ở mức 8o Richter.
Gần
đây trên thế giới, tình hình cũng tương tự như vậy, các đập lớn đều an toàn, chỉ
có một số đập nhỏ bị vỡ. Sở dĩ có tình hình như vậy vì khi xây dựng các đập lớn,
người ta tập trung những chuyên gia có kinh nghiệm, những công nghệ tiên tiến
trong các khâu thiết kế, thi công và quản lý thì đều đứng vững kể cả trong những
đợt lũ lớn. Các chuyên gia Việt Nam đã học hỏi được nhiều về an toàn về đập.
Nói
như thế không có nghĩa là chúng ta không phải lo lắng gì nữa về an toàn đập.
Chúng ta phải hết sức thận trọng, cập nhật và nâng cao nhận thức mới, thận trọng
từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng và vận hành đập.
Hiện
nay đang xảy ra tình trạng là do thủy điện đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà đầu
tư nên các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi nhuận, dù
không có chuyên môn cũng “đổ xô” làm thủy điện, trình độ quản lý xây dựng yếu
kém, thiếu trách nhiệm.
Một
số kỹ sư cũng chạy theo công việc, chủ quan về kỹ thuật. Các nhà thầu thi công ẩu,
bớt xén nguyên liệu, không tuân thủ các qui trình đảm bảo chất lượng và những
tiêu cực khác.
Những
sự cố đập không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ lâu dài đối
với an toàn đập và hiệu quả đầu tư. Đó là điều rất đáng lo ngại vì tại nhiều địa
phương, người quản lý xây dựng và vận hành, trong đó có quản lý an toàn đập, rất
ít hiểu biết về công công việc của mình và thiếu trách nhiệm.
Do
đó, trong các mùa lũ liên tiếp mấy năm nay thường xảy ra sự cố, thậm chí vỡ đập
nhỏ. Ví dụ, đập Hố Hô (Hà Tĩnh) vỡ năm 2010 là do quản lý thiếu trách nhiệm ,
không biết gì về an toàn đập.
Chính
phủ đã ban hành Nghị định 72/2007/NĐ-CP
ngày 7/5/2007 về quản lý an toàn đập. Tuy nhiên một số điểm cần được cụ
thể hóa qua những văn bản pháp lý tiếp theo.
Việc
quản lý đập, quản lý an toàn đập là một lĩnh vực chuyên môn rất hẹp. Chịu trách
nhiệm về việc phải là người được đào tạo nghiêm túc, huấn luyện đầy đủ. Chưa
nói những người thuộc chuyên môn khác, ngay các kỹ sư thủy lợi cũng không phải
ai cũng am hiểu thấu đáo về kỹ thuật an toàn đập. Chỉ những người trực tiếp
tham gia xây dựng, luôn cập nhật được những công nghệ tiên tiến thì mới có thể
đảm trách công việc này.
Không
thể khoán trắng an toàn đập cho chủ đập. Chủ nào thì cũng theo đuổi lợi nhuận,
chủ ‘quốc doanh’ lại chỉ có nhiệm kỳ. Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn đập thì
lâu dài và thiệt hại thì hết sức lớn.
Các
chuyên gia trong Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đang soạn thảo
cuốn ‘Sổ tay về an toàn đập’. Đây không phải văn bản có tính chất pháp lý mà là
những hướng dẫn, khuyến nghị hữu ích cho những người tham gia xây dựng và quản
lý đập.
Tuy
chưa thấy có những biểu hiện khẩn cấp thật nghiêm trọng về mất an toàn đập ở Việt
Nam, nhưng theo tôi cần có tổng kiểm tra, rà soát an toàn của tất cả các đập
chúng ta đã xây dựng trong thời gian qua, bởi đã có thời kỳ chúng ta xây dựng
nhiều đập trong một thời gian ngắn, ồ ạt, không ít những điều phi kỹ thuật đã mắc
phải như đã trình bày ở trên. Mọi người sẽ yên tâm hơn về đập.
Trần Quang Vinh (thực hiện)