Trong phiên tranh luận tại tòa về cáo buộc Facebook xâm phạm sự riêng tư của người dùng ngày 21/9, Frederic Debussere, một luật sư đại diện cho Ủy ban Quyền riêng tư Vương quốc Bỉ (BPC), nói: “Khi NSA bị phát hiện theo dõi người dùng khắp nơi trên thế giới, mọi người đã giận dữ. Facebook đang làm việc tương tự, mặc dù theo một cách khác”.
Cơ quan giám sát của Bỉ nói trên đã nộp đơn kiện mạng xã hội này, cáo buộc Facebook vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU) và xâm phạm quyền riêng tư của những người dùng internet. BPC đã đưa ra báo cáo này trong tháng 3 vừa qua, lập luận rằng Facebook theo dõi tất cả mọi người, kể cả khi người dùng đã đăng xuất khỏi mạng Facebook và thậm chí những người không có tài khoản Facebook, thông qua việc sử dụng các cookie (một đoạn văn bản ghi thông tin được tạo ra và lưu trên trình duyệt của máy người dùng), những nút “thích” và “chia sẻ” có thể được tìm thấy trên hơn 13 triệu trang web toàn cầu.
Facebook bí mật theo dõi thông tin người dùng toàn cầu?
|
Báo cáo cho hay điều này có thể xảy ra bởi những cookie được cài đặt tự động trên các máy tính của người dùng internet mỗi lần họ ghé qua một trang web có chứa một plug-in (một bộ phần mềm hỗ trợ, thêm những tính năng cụ thể cho một phần mềm ứng dụng lớn hơn) của Facebook, ví dụ như nút “thích”.
Theo luật EU, các trang web cần sự cho phép của người sử dụng trước khi cài đặt bất cứ cookie nào. Đó là lý do vì sao BPC cho rằng chính sách của Facebook đã “vi phạm luật châu Âu”. Theo đe dọa của BPC, Facebook hiện đang đối mặt với nguy cơ phải nhận án phạt tương đương 250.000 euro (280.213 USD)/ngày.
Luật sư Frederic Debussere phát biểu tại tòa: “Đừng để bị Facebook dọa dẫm. Họ sẽ tranh cãi rằng yêu cầu của chúng tôi không thể chỉ thi hành ở riêng Bỉ. Nhưng yêu cầu của chúng tôi có thể được thi hành một cách hoàn hảo ở đất nước này”.
Tuy nhiên, Facebook đã một mực chối bỏ tất cả các cáo buộc và tuyên bố rằng hoạt động của mạng xã hội này tuân theo luật EU, cũng như cáo buộc BPC trình báo cáo sai. Một phát ngôn viên Facebook nói: “Chúng tôi sẽ cho tòa án thấy công nghệ này bảo vệ người dùng khỏi thư rác, phần mềm độc hại, những dạng tấn công khác, rằng hoạt động của chúng tôi tuân theo luật EU và phù hợp với những trang web phổ biến nhất của Bỉ”.
Trả lời những câu hỏi về chính sách cookie của công ty, một đại diện cho Facebook – Paul Lefebvre, nói rằng “họ cho phép Facebook Ireland xác định những nỗ lực giành quyền tiếp cận thông qua các trình duyệt đã sử dụng”, và thêm rằng nếu Bỉ ban hành lệnh cấm hoạt động này của Facebook, nước này “sẽ trở thành cái nôi cho khủng bố mạng”.
Facebook cũng phản đối việc phải chịu trách nhiệm tại Bỉ khi trụ sở châu Âu của công ty này đặt tại Dublin, Ireland và các hoạt động của Facebook được giám sát bởi Cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia Ireland.
Vụ kiện này đang được các nhà giám sát quyền riêng tư thuộc các nước thành viên EU còn lại xem xét kĩ càng, trong đó có Hà Lan - quốc gia đã bắt đầu đặt dấu hỏi về các hoạt động và chính sách quyền riêng tư của Facebook.