Công nghệ thu giữ carbon của EU đối mặt với ba trở ngại lớn

Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) sẽ đóng vai trò chủ lực trong nỗ lực khử carbon ngành công nghiệp, nhưng nhiều dự án lớn đang gặp bế tắc do chi phí cao, rủi ro kỹ thuật và vấp phải phản đối tại địa phương.

Chú thích ảnh
Cơ sở lọc dầu OMV của Áo ở gần Vienna. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo tờ Euronews ngày 26/5, ba dự án CCS quy mô lớn do EU hỗ trợ hiện đang gặp trở ngại nghiêm trọng về tài chính và kỹ thuật. Tính đến nay, toàn châu Âu mới chỉ có năm cơ sở CCS đang vận hành, với tổng công suất thu giữ khoảng 2,7 triệu tấn CO2 mỗi năm - trong đó phần lớn đến từ Na Uy, quốc gia không phải là thành viên EU. Trong khi đó, khối này đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức lưu trữ 50 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030 và tăng lên 280 triệu tấn vào năm 2040.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, EU cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng gần như từ đầu, với khoảng 19.000 km đường ống dẫn CO2 vào năm 2050 và tổng chi phí có thể lên tới 140 tỷ euro (khoảng 152 tỷ USD). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có cơ chế tài chính dài hạn để bảo đảm đầu tư bền vững cho lĩnh vực này.

Dự án CCS tiêu biểu là Northern Lights tại Na Uy, do ba tập đoàn Equinor, Shell và TotalEnergies triển khai, với công suất dự kiến lưu trữ 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Nguồn phát thải ban đầu đến từ các doanh nghiệp như Yara, Orsted và Heidelberg Materials. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển và lưu trữ CO2 trong giai đoạn đầu được ước tính trung bình khoảng 145 USD/tấn - chưa bao gồm chi phí thu giữ tại nguồn. Với mức giá này, chỉ riêng Yara có thể phải chi tới 202 triệu USD mỗi năm để xử lý một phần khí thải từ một cơ sở duy nhất.

Northern Lights cũng đối mặt với hạn chế lớn về phương tiện vận chuyển. Dự án hiện chỉ có hai tàu chuyên dụng, mỗi chiếc chở được 8.000 tấn CO2 mỗi chuyến. Hai tàu bổ sung dự kiến hoàn tất vào năm 2026, nhưng các nhà điều tra cảnh báo năng lực này vẫn chưa đảm bảo trong trường hợp xảy ra trục trặc kỹ thuật hay các vấn đề thời tiết bất lợi.

Tại khu vực Địa Trung Hải, dự án Callisto do các công ty Eni, Snam và Air Liquide hợp tác triển khai gặp trở ngại về chi phí vận chuyển CO2 từ Pháp bằng đường biển. Mặc dù hệ thống ống dẫn tại Italy giúp giảm chi phí nội địa, nhưng giá carbon trong hệ thống giao dịch phát thải (ETS) hiện chỉ khoảng 80 euro/tấn (khoảng 87 USD/tấn) - mức được cho là quá thấp và không ổn định để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, dự án Pycasso tại Pháp đã bị hủy bỏ hoàn toàn sau khi gặp phải sự phản đối từ người dân địa phương, lo ngại về ảnh hưởng tới việc làm tại mỏ khí đốt Lacq và thiếu minh bạch về giá trị kinh tế mang lại.

Giới phân tích cho rằng CCS tại châu Âu đang gặp ba thách thức chính: chi phí cao, thiếu khung tài chính ổn định và rủi ro kỹ thuật - đặc biệt trong vận chuyển và lưu trữ CO2 quy mô lớn. Ông Eadbhard Pernot, Tổng thư ký tổ chức Sáng kiến Nền tảng không phát thải, nhận định các dự án CCS chỉ có thể thành công nếu chính phủ châu Âu cam kết đảm bảo giá carbon thông qua các hợp đồng chênh lệch.

Một số tổ chức môi trường như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên lo ngại rằng việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon có thể khiến nguồn lực bị phân tán, làm chậm quá trình chuyển đổi sang các giải pháp bền vững hơn như năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Bà Rachel Kennerley, chuyên gia tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL), cảnh báo CCS có thể tiêu tốn lượng lớn thời gian và ngân sách, trong khi hiệu quả chưa được kiểm chứng rõ ràng so với các công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu đã có sẵn.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
EU điều chỉnh mục tiêu phát thải ô tô, giảm áp lực cho ngành công nghiệp
EU điều chỉnh mục tiêu phát thải ô tô, giảm áp lực cho ngành công nghiệp

Ngày 3/3, Ủy ban Châu Âu thông báo sẽ điều chỉnh cách tính mục tiêu phát thải đối với ngành công nghiệp ô tô, cho phép sử dụng mức trung bình ba năm thay vì chỉ xét theo doanh số của năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN