Báo Anh Daily Mail đưa tin, các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Dongguk ở Seoul đã tiến hành nghiên cứu trên 7.725 người trưởng thành về tần suất họ ăn một mình và so sánh tình trạng sức khỏe của họ.
Nhóm nhà nghiên cứu này đã phát hiện sự liên hệ giữa sự đơn độc và sức khỏe, đặc biệt đối với nam giới.
Theo đó, việc ăn một mình, không cùng với gia đình hay bạn bè, sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa như huyết áp cao, cholesterol cao hoặc tiểu đường. Nam giới ăn một mình có nguy cơ bị béo phì cao tới 45% và nguy cơ mắc chứng chuyển hóa là 64%.
Trong khi đó, những phụ nữ trong khảo sát có nguy cơ mắc một hội chứng chuyển hóa là 29% nếu như họ ăn một mình hai bữa hoặc nhiều hơn trong một ngày.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu này bởi vì số người sống đơn độc trên thế giới đang ngày càng nhiều. Điều này khiến một số người cảm thấy cô đơn và có những lựa chọn không lành mạnh khi ăn uống.
Kết quả trên được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố sinh hoạt khác như hút thuốc, uống rượu, độ tuổi và tần suất tập thể dục.
Những nghiên cứu trước cho thấy sự cô đơn sẽ khiến một người chọn ăn thực phẩm không tốt cho sức khỏe nhiều hơn. Khi cảm thấy bị đơn độc, họ sẽ ăn thức ăn nhanh thay vì trái cây và rau. Điều này sẽ tác động đến tình trạng sức khỏe của họ và gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một bộ phận người Mỹ chọn cách sống một mình đã tăng lên từ 5% dân số năm 1920 lên 27% dân số năm 2013. Sự gia tăng này là do con người ngày càng trì hoãn việc kết hôn và tỉ lệ ly hôn nhiều hơn.