Chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố kế hoạch 10 năm để nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng 110 loài được ưu tiên và bảo vệ 20 địa danh ưu tiên trước nguy cơ tiếp tục suy thoái. Mục đích của kế hoạch này là đảm bảo không có thêm những loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng đồng thời bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất của Australia.
Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek khẳng định việc đưa các loài đang bị đe dọa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp theo luật môi trường quốc gia là một bước quan trọng để bảo tồn những loài này và môi sinh của chúng. Bà thừa nhận những nỗ lực của Australia nhằm bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, khiến nước này trở thành "trung tâm tuyệt chủng động vật có vú" của thế giới. Ngoài chuột túi Wallaby và rắn ráo trâu, trong danh sách 15 loài được công nhận là đang bị đe dọa tuyệt chủng còn có loài châu chấu que không cánh (matchstick grasshopper) rất nhạy cảm với hạn hán và cháy rừng thường xuyên.
Các nhóm vận động bảo vệ môi trường hoang dã đã hoan nghênh kế hoạch mới của Chính phủ Australia. Theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, nhiều loài ở Australia đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, môi sinh suy thoái do ảnh hưởng của các hoạt động của con người và những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt như thảm họa cháy rừng mùa Hè các năm 2019 và 2020 còn gọi là Black Summer. Đây cũng là những yếu tố khiến kết quả của hoạt động bảo vệ các loài động vật quý hiếm tại nước này chưa được như mong đợi. Các vụ cháy rừng dữ dội xảy ra vào mùa Hè 2020 và 2021 đã thiêu rụi 5,8 triệu ha đất ở miền Đông Australia, khiến từ 1 - 3 triệu động vật hoang dã chết hoặc phải di dời đến nơi khác. Các nhà khoa học ước tính chi phí tháo gỡ "cuộc khủng hoảng tuyệt chủng" tại Australia sẽ rơi vào khoảng 1,69 tỷ AUD (1 tỷ USD)/ năm.