Biểu tượng Apple. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nghệ này được kỳ vọng sẽ mang lại khả năng tiếp cận tốt hơn cho hàng chục nghìn người mắc các chứng suy giảm vận động nghiêm trọng, chẳng hạn như tổn thương tủy sống hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), giúp họ sử dụng thiết bị di động mà không cần thao tác bằng tay.
Apple đang hợp tác với Synchron, một công ty chuyên phát triển giao diện não - máy tính, để thiết lập tiêu chuẩn mới cho công nghệ này. Synchron là nhà sản xuất thiết bị Stentrode, một loại thiết bị cấy ghép có hình dạng tương tự stent và được đưa vào tĩnh mạch gần vùng vỏ não vận động. Thiết bị này có thể đọc tín hiệu thần kinh và chuyển đổi chúng thành lệnh điều khiển trên màn hình.
Dù công nghệ vẫn đang trong giai đoạn đầu và cần vài năm nữa để phổ biến, Apple kỳ vọng vào một tương lai khi các thiết bị cấy ghép như của Neuralink của tỷ phú Elon Musk, hay các đối thủ khác được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép rộng rãi. Hiện tại, một số giao diện não - máy tính đã được thử nghiệm an toàn trên một nhóm nhỏ bệnh nhân.
Theo giới phân tích, nếu thành công, bước tiến này có thể mở ra kỷ nguyên mới trong tương tác giữa con người và thiết bị, với những tiềm năng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hỗ trợ y tế.