Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động sẽ khẳng định vai trò làm chủ công nghệ vũ trụ của Việt Nam. Dự kiến đến năm 2017, Việt Nam sẽ tự chế tạo được vệ tinh nhỏ (dưới 500 kg) có khả năng chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết xấu bằng công nghệ rađa và quang học.
Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ vũ trụ
TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đơn vị trực tiếp triển khai dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam khẳng định: Trung tâm vũ trụ sẽ được trang bị những thiết bị hiện đại mà các trung tâm vũ trụ lớn trên thế giới như Nhật Bản, châu Âu đang sử dụng nhằm phát triển công nghệ vũ trụ thành một ngành công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo kịp với trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và có quy mô hàng đầu trong khu vực, đảm bảo thực hiện hiệu quả "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" theo Quyết định của Thủ tướng.
Trạm điều khiển vệ tinh đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). |
Trung tâm xây dựng trên diện tích 9 ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và triển khai trong giai đoạn 2010 - 2017. Tổng số tiền của dự án là 350 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản với 14 khu chức năng như trung tâm chế tạo, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh, khu vực thử nghiệm từ trường, trung tâm điều khiển và ứng dụng vệ tinh và nhà mô hình đài thiên văn… Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao được hình thành nhờ tích hợp nhiều ngành công nghệ khác nhau nhằm tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất... nhằm khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người.
TS Phạm Anh Tuấn cho biết: Hiện những công việc cần thiết cho việc xây dựng trung tâm đã hoàn tất, cùng với đội ngũ chuyên gia của Việt Nam thì đến năm 2017, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ dưới 500 kg dùng để quan sát trái đất tại trung tâm.
Cần đầu tư ngay cho nhân lực
Ông Matsuzawa, Trưởng nhóm tư vấn Jetro, Nhật Bản khá tự tin chia sẻ: Với một trung tâm vũ trụ vào loại hiện đại trong khu vực, tương lai xa, Việt Nam có thể tự sản xuất các “nguyên liệu” phục vụ cho công nghệ vũ trụ để thương mại hóa. Để đạt được điều này, từ nay tới năm 2017, Việt Nam sẽ làm chủ và chế tạo được vệ tinh nhỏ (dưới 500 kg) quan sát trái đất bằng công nghệ rađa và quang học. Công nghệ này đã được thế giới làm rất nhiều nhưng vệ tinh nhỏ dưới 500 kg mang bộ cảm biến rađa mới chỉ có Ixraen phóng thành công vào đầu năm 2008. Lý giải về việc chọn vệ tinh nhỏ, các nhà khoa học cho biết: Vệ tinh nhỏ dễ học, dễ làm, có giá thành rẻ (chỉ khoảng 20-30 triệu USD, thậm chí 7-8 triệu USD/chiếc) phù hợp với điều kiện của Việt Nam khi tiềm lực kinh tế của nước ta chưa quá mạnh và kiến thức về công nghệ vũ trụ cũng chưa cao.
Ngoài việc tự chế tạo vệ tinh nhỏ có khả năng chụp ảnh toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rađa và quang học, trung tâm còn xử lý các dữ liệu viễn thám từ vệ tinh giúp giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa môi trường, dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quy hoạch đất đai và xây dựng các hệ thống dẫn đường và đào tạo từ xa.
Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia lo lắng là nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghệ vũ trụ ở Việt Nam rất thiếu. TS Phạm Anh Tuấn khẳng định: Để có nguồn nhân lực phục vụ trung tâm vũ trụ trong thời gian tới, trường Đại học Công nghệ sẽ tuyển sinh khoảng 15 chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành về công nghệ vũ trụ. Bên cạnh đó, theo chương trình hợp tác của dự án, các cán bộ của Việt Nam sẽ được cử sang Nhật để học hỏi thêm kinh nghiệm. Công nghệ vũ trụ không còn quá bỡ ngỡ nên chúng ta có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trước đó, đã từng tham gia dự án vệ tinh nhỏ Việt Nam VNREDSat-1-vệ tinh viễn thám quang học đầu tiên của Việt Nam với độ phân giải cao 2,5 m… nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm.
Về vấn đề nguồn nhân lực, TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ nhấn mạnh: Đa dạng hóa các hình thức hợp tác về KHCN và đào tạo nhân lực là một trong những hướng phát triển mà Viện nhắm tới và Viện đã chủ động mở rộng hợp tác với các cơ quan vũ trụ quốc tế như ESA, NASA, JAXA, ISRO, ROSCOSMOS, UNOOSA, UNESCAP… để xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng được cho ngành trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Liên Cơ