Khi anh nhân viên ngành tài chính Ringo Li trở về Bắc Kinh từ Tokyo năm 2010, anh mua chiếc điện thoại thông minh đầu tiên – một chiếc iPhone 3G. Mặc dù, đây là một trong những thiết bị cầm tay hiện đại nhất tại thời điểm đó, nhưng anh chủ yếu dùng để nhắn tin, nghe gọi, thi thoảng lướt web ở nơi có sóng wifi.
Ngày đó, cuộc sống hầu như “ngoại tuyến”. Anh Li phải đến tận nhà hàng để mua thức ăn, thanh toán bằng tiền mặt và ra tận lề đường để vẫy taxi.
10 năm trôi qua, cuộc sống của Li thay đổi hoàn toàn. Không còn làm ngành tài chính mà chuyển sang mảng truyền thông xã hội, anh liên lạc qua WeChat và dùng các ứng dụng trên chiếc iPhone XS để đặt đồ ăn, xe taxi, thanh toán hóa đơn. Đa số ứng dụng trên đã ăn sâu cuộc sống hàng ngày của Li cùng hàng trăm triệu người Trung Quốc khác.
Ra mắt năm 2011, WeChat khởi điểm là một ứng dụng nhắn tin giống WhatsApp và Line, song nhanh chóng trở thành một “siêu ứng dụng”, cung cấp thêm nhiều tính năng như thanh toán, và hiện có 1,15 tỷ người dùng.
Công ty giao đồ ăn Meituan được thành lập năm 2010 trên nền tảng trang web mua theo nhóm, rồi sáp nhập với đối thủ cạnh tranh là Dianping năm 2015 để tạo nên một “gã khổng lồ” trong lĩnh vực.
Phiên bản điện thoại của kênh thương mại điện tử Taobao thuộc Alibaba Group cũng được triển khai năm 2010. Alibaba là công ty mẹ của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Nhà phân tích Michael McLaughlin tại Tổ chức Đổi mới và Công nghệ Thông tin ở Washington, nhận xét trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển từ một đất nước chuyên sao chép trở thành một nhà đổi mới.
Theo Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới đã khởi đầu thuận lợi trong thời đại của các ứng dụng bởi vì đất nước này nhanh chóng nhảy vọt trong công nghệ máy tính cá nhân và nhanh chóng chuyển sang các thiết bị di động. Năm 2012, lượng người sử dụng Internet di động đã vượt lượng người truy cập qua máy tính, tăng gấp năm lần trong vòng 10 năm, đạt hơn 847 triệu người tính đến tháng 6/2019.
Câu chuyện thành công của WeChat là một minh chứng rõ ràng cho việc những năm 2010 sẽ được ghi nhớ là thập kỷ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức người Trung Quốc kết bạn và tiếp nhận thông tin.
Trong trường hợp của Ringo Li, công nghệ đã thay đổi cuộc đời anh. Năm 2014, anh bắt đầu viết blog trên tài khoản WeChat. Anh viết về những sự vụ bí ẩn hay nhân vật kỳ bí, chẳng hạn như vụ đắm phà Sewol ở Hàn Quốc và giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo ở Nhật Bản.
Không ngờ, thứ tưởng chừng chỉ là sở thích cá nhân đã thu được kết quả vượt sự tưởng tượng. Anh được trên 500.000 người theo dõi. Lợi nhuận từ quảng cáo và tiền quà tặng từ WeChat mỗi tháng phải lên đến hàng chục nghìn Nhân dân tệ.
“WeChat đem đến cho tôi sự nổi tiếng cũng như những người bạn cùng chung sở thích”, Li nói. Giới làm phim thậm chí còn tìm gặp anh ngỏ ý mua lại các bài viết để dựng phim. Anh đang tìm kiếm những kênh mạng xã hội khác để phân phối nội dung, chẳng hạn như podcast và video ngắn.
Jane Chen, 29 tuổi, sống ở thành phố Thành Đô là một người dùng điện thoại thông minh điển hình khác. Cô không chỉ dùng ứng dụng để trò chuyện mà còn đọc tin tức, thanh toán hóa đơn, đăng ký lớp học yoga, đặt đồ ăn và gọi xe. “Giơ tay gọi taxi trên phố giờ chẳng hiệu quả nữa”, Chen chia sẻ.
Đầu thập kỷ, vẫy tay là cách duy nhất để gọi taxi trên đường, song tất cả đã thay đổi nhờ cựu nhân viên Alibaba Group Cheng Wei. Sau khi đọc tin về công ty taxi Hailo của Anh muốn mở rộng thị trường tại Mỹ, Cheng nhận thấy lĩnh vực taxi bị phân mảnh của Trung Quốc – nơi gọi xe vào giờ cao điểm là điều gần như không thể - đã sẵn sàng đón nhận ứng dụng tương tự.
Trong vòng 4 năm đầu ra mắt Didi Chuxing từ năm 2012, Cheng phải đánh bại hơn 30 ứng dụng gọi xe khác. Để giành thị trường, các ứng dụng trên bắt đầu cung cấp ưu đãi cho hành khách và tài xế, được tài trợ với hàng tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm. Các tài xế taxi lâu năm ở các thành phố như Bắc Kinh và Hàng Châu - những người ban đầu phản đối ý tưởng này - sẽ chỉ chấp nhận những hành khách đặt chỗ qua ứng dụng bởi vì điều đó có nghĩa là họ kiếm được nhiều tiền hơn từ các gói ưu đãi.
Sự phổ biến của các ứng dụng di động được xây dựng dựa trên sự phổ biến của điện thoại thông minh, báo hiệu một kỷ nguyên mới khi hệ điều hành Android vượt qua Symbian của Nokia vào năm 2012.
Lúc đầu, người dùng điện thoại thông minh Trung Quốc đã sử dụng các thương hiệu nước ngoài như Apple và Samsung – hai hãng điện thoại sau này thống lĩnh thị trường với thị phần lên đến 20% năm 2013. Vài năm sau, Samsung rớt khỏi tốp 5 hãng điện thoại ở Trung Quốc khi phải cạnh tranh với thương hiệu nội địa như Huawei, Vivo, Oppo và Xiaomi. Tập đoàn điện tử Hàn Quốc này đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc từ hồi tháng 10. Apple vẫn giữ được vị trí trong tốp 5.
Các ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng mở ra một xu hướng thay đổi cuộc sống khác – tiêu tốn hàng giờ mỗi ngày: xem video ngắn.
Ở Trung Quốc, người dùng bỏ ra trung bình 600 triệu giờ/ngày để xem video ngắn. Kuaishou – ra mắt năm 2012 – phổ biến với người dân vùng nông thôn cùng tầng lớp lao động. Một số clip được lan truyền rộng rãi nhất là cảnh người nông dân khoe tài làm nông hay các thủy thủ Hải quân quay về cuộc sống trên biển.
Dù “sinh sau đẻ muộn” hơn, Douyin của Bytedance – hay còn được biết đến dưới tên gọi TikTok ngoài Trung Quốc – đã nhanh chóng trở thành ứng dụng video ngắn hàng đầu với trên 320 triệu người dùng mỗi ngày, theo số liệu hồi tháng 7.
Julia Zhu, 27 tuổi sống ở Bắc Kinh, thường xem 2 – 3 tiếng cho mỗi lần truy cập Douyin, song hiện đã giới hạn xuống còn 1 giờ. Để bỏ thói quen tốn thời gian này, Zhu đã vài lần xóa ứng dụng song rồi lại tải về. “Douyin hiển thị nội dụng mới dựa theo sở thích và lịch sử xem. Rất dễ để xem mê mệt”, cô chia sẻ.
TikTok thậm chí trở thành ứng dụng Trung Quốc đầu tiên thành công rực rỡ tại thị trường châu Âu và Mỹ. Nó chính là ứng dụng được tải nhiều thứ 7 trong thập kỷ, xếp sau Youtube và Twitter. Tuy nhiên, TikTok cũng đang bị giới lập pháp Mỹ soi xét do lo ngại về vấn đề an ninh và thông tin cá nhân.
Trước bối cảnh thập niên 2010 sắp sửa kế thúc, Ringo Li tự tin có thể tìm ra con đường để tiếp cận khán giả nếu như thập kỷ tiếp theo mang đến dạng công nghệ mới thay đổi cách con người liên lạc và tiếp nhận thông tin. “Nội dung ban đầu luôn luôn cần thiết, nhưng tôi sử dụng kênh hoặc định dạng nào sẽ phụ thuộc vào thị trường trong tương lai”, Li kết luận.