Kênh truyền hình CNBC News đưa tin công ty giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc Meituan Dianping đang thử nghiệm robot không người điều khiển đầu tiên của hãng này tại 10 tòa văn phòng và khách sạn ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thẩm Quyến.
Còn tại Nhật Bản – nước sản xuất robot công nghiệp hàng đầu thế giới năm 2017, hãng chế tạo ZMP đã phát triển và thử nghiệm một loại robot giao đồ ăn tại các trường đại học và khu tòa nhà phức hợp. Những cỗ máy này có thể định vị không gian của các tòa văn phòng, khu chung cư và trường đại học để tự động mang thức ăn đến cho khách hàng bằng thang máy hoặc thang bộ.
“Có các lý do phù hợp để chúng tôi triển khai robot giao đồ ăn đầu tiên tại những nơi như ký túc xá đại học, tòa nhà văn phòng, khách sạn và bệnh viện”, ông James Lambert, Giám đốc cố vấn kinh tế châu Á tại Oxford Economics nói với CNBC qua thư điện tử. Theo ông, đó là những môi trường cố định, có thể đoán trước, thích hợp để robot làm nhiệm vụ hàng ngày.
Tiết kiệm thời gian, bù đắp thiếu nhân công
Ông Xia Huaxia – trưởng bộ phận giao hàng tự động tại Meituan – cho biết robot của công ty có thể di chuyển trong một tòa nhà nhiều tầng và giao thức ăn đến tận cửa nhà cho khách hàng. Dù vậy, họ vẫn cần một nhân viên giao hàng là con người để mang thức ăn đến tòa nhà.
Ông cho biết hình thức này sẽ giúp tiết kiệm từ 5 đến 7 phút cho mỗi đơn hàng, với chi phí khoảng 1 – 2 Nhân dân tệ (khoảng 3.000 – 6.000 đồng) cho mỗi lần giao. Đội ngũ robot của Meituan đã giao được hàng nghìn đơn thức ăn như vậy.
Trong khi đó, đôi mắt robot tên CarriRo Deli của hãng ZMP lại có thể thể hiện cảm xúc phong phú cũng như giao tiếp với con người bằng giọng nói. Sự đổi mới trong ngành robot đồng nghĩa với việc khắc phục vấn đề thiếu hụt nhân công và rút ngắn thời gian giao hàng. Điều này đặc biệt quan trọng tại Nhật Bản – đất nước đang đối mặt với sự sụt giảm lực lượng lao động do tỷ lệ sinh sản mạnh và dân số già.
Theo dự đoán hồi tháng 2 của giới chức Nhật Bản, lực lượng lao động của đất nước này có thể giảm tới 20% vào năm 2040.
Đáng chú ý, Nhật Bản và Trung Quốc không phải những quốc gia đầu tiên đi theo xu hướng sử dụng robot để giao đồ ăn. Tại Mỹ, robot cũng được ứng dụng để giao thức ăn cho sinh viên đại học.
Tuy nhiên, ông Michael Zielenziger – chuyên gia tại Oxford Economics – đánh giá ý tưởng sử dụng robot giao thức ăn tại Trung Quốc có thể đem đến nhiều khía cạnh tích cực hơn. “Dịch vụ của Meituan có thể đặc biệt phù hợp đối với điều kiện môi trường của Trung Quốc, nơi các tòa văn phòng và ký túc xá thường nằm sát nhau, mật độ căn hộ cũng dày đặc hơn ở Mỹ”, ông nói.
Tuy vậy, ông Xia Huaxia cho biết sẽ cần thêm 2 đến 5 năm nữa thì dịch vụ robot giao đồ ăn của Meituan mới được sử dụng rộng khắp thị trường.
Vấn đề chi phí
Robot giao hàng có thể là phương án giúp các công ty cắt giảm chi phí, song điều này còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác. Chi phí để phát triển robot, giám sát từ xa, liên lạc, an ninh và bảo hiểm cần thiết… cần được tính đến khi các công ty đánh giá lợi ích của xu hướng dịch vụ mới này.
Theo ông James Lambert, về mặt nhân lực, sẽ còn mất một thời gian dài nữa nhân viên giao hàng mới bị người máy thay thế. Họ sẽ tiếp tục tương tác và phối hợp với robot.
Dự đoán trên cũng đồng quan điểm với ông Xia. Ông cho biết vào năm 2025, ngành dịch vụ giao đồ ăn của Meituan được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần. Trong khi robot có thể giao 1/2 số đơn hàng phát sinh, họ vẫn sẽ cần thêm nhân viên. Do đó, số lượng nhân viên giao hàng có thể phải tăng 150%, từ 60.000 người hiện nay lên đến 70.000 người.
Lo ngại về quyền riêng tư
Robot giao đồ ăn lưu trữ số lượng lớn dữ liệu nhạy cảm, chẳng hạn như bản đồ bên trong các tòa nhà, nhằm giúp chúng định vị địa điểm. Chúng còn thu thập dữ liệu về tòa nhà hoặc khu ký túc xá dọc theo đường di chuyển. Ngoài ra, đội quân robot này có thể được trang bị khả năng quan sát bằng laser hoặc máy tính. Điều này có thể là mối lo ngại đối với an toàn cá nhân.
Tuy vậy, ở Trung Quốc, nhiều khả năng người dân sẽ dễ dàng bỏ qua yếu tố bất tiện trên để được nhận mức giá giao hàng rẻ hơn.