Ứng dụng công nghệ tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu.

Chú thích ảnh
Hệ thống Robot AGV là robot tự hành chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa nhẹ, mỏng, hàng có hình dáng đặc thù, tròn lăn, thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Đây là công nghệ robot hiện đại được nhiều đơn vị logistic lớn trên thế giới sử dụng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia…

Ứng dụng khoa học công nghệ cũng được coi là chìa khóa tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang tích cực đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tạo không gian tăng trưởng mới

Trong bối cảnh chuyển đổi số, Rạng Đông gia tăng ứng dụng công nghệ số để phát triển hệ sinh thái sản phẩm, mở ra không gian tăng trưởng mới. Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Rạng Đông, xác định khoa học công nghệ là then chốt, trong hơn 30 năm đổi mới, Công ty đã thực hiện thành công 4 lần chuyển tầng công nghệ trong Ngành Kỹ thuật chiếu sáng. Từ một công ty chuyên sản xuất đèn dây tóc sang sản xuất đèn huỳnh quang, đèn compact, sang chiếu sáng LED và nay là chiếu sáng thông minh, chấm dứt hoàn toàn sản xuất đèn phóng điện FL, CFL ngày 31/12/2019.

Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp trong ngành chiếu sáng chủ động đón đầu cập nhật công nghệ. Công ty đã đầu tư, nghiên cứu chuyển đổi, số hóa, đưa công nghệ vào các khâu từ quản lý, điều hành, sản xuất, đánh giá, kiểm soát sản phẩm,… theo quy trình khép kín, đồng bộ. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư đã nhanh chóng tích hợp trí tuệ nhân tạo AI vào Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của mình bằng công nghệ Machine Learning, trí tuệ nhân tạo xử lý tại biên (Edge AI),…; từ đó, phát huy được năng lực lõi và thế mạnh truyền thống là kỹ thuật chiếu sáng; đưa nhanh các thành tựu về công nghệ số, IoT, AI tạo thêm những giá trị mới, xây dựng các giải pháp chiếu sáng thông minh trên nền tảng công nghệ số.

Giải pháp Chiếu sáng thông minh cho đường phố và kiến trúc cảnh quan của Rạng Đông đã được trao tặng giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2021 và được xếp hạng 5 sao ở hạng mục: Giải pháp cho hạ tầng kỹ thuật thành phố thông minh. Thông qua chiếu sáng cảnh quan thành phố, các công trình di tích lịch sử, kết hợp chiếu sáng nhân tạo, giải pháp này đang góp phần thay đổi diện mạo của thành phố về đêm, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch,… của các đô thị.

Các công trình chiếu sáng tiêu biểu của các giải pháp trên đã được Rạng Đông cung cấp dịch vụ trọn gói từ khảo sát, tư vấn, thiết kế đến thi công lắp đặt, chuyển giao công nghệ và vận hành cho nhiều địa phương, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…

Nhiều năm qua, Rạng Đông đã dành 15% lợi nhuận sau thuế cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và 7% lợi nhuận sau thuế thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm. Việc đầu tư phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở với bệ đỡ là quỹ đầu tư mạo hiểm, hạt nhân trung tâm là các đội nhóm sáng tạo trẻ giúp mở rộng kết nối, từng bước hình thành tổ chức học tập suốt đời, văn hóa sáng tạo. Công ty cũng thành lập Trung tâm R&D; ký thỏa thuận hợp tác với các viện nghiện cứu, trường đại học và các đối tác khoa học công nghệ như: Việt Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam…

Ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có những bước thành công vượt bậc.

Qua 5 năm hoạt động, Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và đạt được thành tựu. Với tổng diện tích sản xuất gần 48 héc-ta, trong đó chủ yếu là các loại cây ăn quả và rau ăn lá, Hợp tác xã đầu tư lắp đặt 1 bộ điều khiển thông minh giúp kiểm soát lượng nước, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng và kiểm soát chất lượng đất trồng. Thông qua bộ điều khiển thông minh được kết nối thông tin, cảnh báo tới điện thoại thông minh của người sử dụng, Hợp tác xã có biện pháp chăm sóc cây trồng tốt nhất nhằm tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, Hợp tác xã cũng tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Hưng Yên (https://hy.check.net.vn), đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trên mạng xã hội.

Bà Lý Thị Hà, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh đã giúp Hợp tác xã giảm chi phí đầu vào, giảm nhân công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra. Áp dụng công nghệ số không chỉ thúc đẩy quá trình sản xuất mà còn giúp Hợp tác xã tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn với khách hàng trên cả nước; từ đó kết nối, đưa sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn đến khách hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với trước kia. Đến nay, Hợp tác xã đã có 2 sản phẩm là: ổi và cam được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tham gia thị trường thương mại điện từ bằng việc đưa sản phẩm lên chào bán tại các nền tảng bán hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok… Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã trở nên ngày càng phổ biến, hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
 

Chú thích ảnh
Quản lý giám sát vận hành khu tổ hợp là hệ thống NOC theo dõi hành trình của từng đơn hàng thời gian thực. Hệ thống giám sát thông minh gồm công nghệ Digital Twin, camera AI, kiểm soát trạng thái của toàn bộ hệ thống thiết bị và hoạt động khai thác hàng hóa, phát hiện và cảnh báo về các hành vi bất thường, giúp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Yếu tố then chốt để phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế với hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và ảnh hưởng của cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư đang có tác động ngày càng sâu rộng. “Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Mặt khác, cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp, tạo áp lực lớn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt để vượt qua những thách thức cốt yếu về việc hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhiều hạn chế, khó khăn còn ở trước mắt, trong đó, vướng mắc về cơ chế chính sách đang được coi là một trong những rào cản lớn nhất của bộ phận doanh nghiệp này.

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ là bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp khoa họa công nghệ với những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng…

Nghị định 13 quy định doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện, trước tiên doanh nghiệp khoa học công nghệ phải là một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có kết quả nghiên cứu thuộc một trong những lĩnh vực có thể sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, bố trí mạch tích hợp hoặc những chương trình máy tính được các cơ quan quản lý Nhà nước công nhận.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang sở hữu những giống cây trồng, vật nuôi mới được tạo ra trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ mới được xem xét thụ hưởng ưu đãi. Nếu doanh nghiệp liên kết với các đơn vị khác hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, sau một thời gian làm chủ được công nghệ và tạo ra được những sản phẩm của riêng mình thì được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Quá trình thực thi Nghị định này mang lại kết quả cho các doanh nghiệp còn rất hạn chế, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, ông Thảo dẫn chứng, qua kết quả khảo sát của Hiệp hội đối với 167 doanh nghiệp thành viên tính đến hết năm 2023 cho thấy, đa số doanh nghiệp khoa học công nghệ không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Mới chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định 13 với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp doanh nghiệp khoa học công nghệ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất. Một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác của Nhà nước như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vay vốn với lãi suất thấp hơn doanh nghiệp thông thường…

Ông Trần Xuân Đích cho biết thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ đang lập đề xuất xây dựng luật sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, dự kiến trình trong năm nay. “Bộ sẽ nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ", ông Trần Xuân Đích nói.

Với độ mở lớn của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Nếu tận dụng được từ việc chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ, bằng hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách cụ thể, doanh nghiệp Việt sẽ có được đà phát triển, tạo được sức cạnh tranh ở không chỉ thị trường trong nước mà còn tại thị trường khu vực và trên thế giới.

Thu Phương (TTXVN)
Ứng dụng công nghệ cao nâng tầm giá trị nông sản
Ứng dụng công nghệ cao nâng tầm giá trị nông sản

Tỉnh Yên Bái từng bước ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông sản nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục tính mùa vụ, tăng hiệu quả kinh tế, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN