Một báo cáo gần đây của Viện hải quân Mỹ (USNI) cho biết, Hải quân Mỹ có kế hoạch sử dụng máy bay giám sát và tấn công không người lái cất cánh từ tàu sân bay (UCLASS UAV), một thiết bị bay có kích thước tương đương với máy bay tiêm kích F-14 có khả năng tàng hình, như là một công cụ triển khai các đợt tấn công tên lửa đầy tiềm năng.
Máy bay tiêm kích liên quân F-35. Ảnh: US Air focre
|
Dù máy bay không người lái (UAV) có vai trò quan trọng trong việc giành giật ưu thế trong tác chiến đường không đã được cộng đồng an ninh Mỹ đề cập ít nhiều, nhưng mô tả của USNI là bằng chứng nổi bật nhất cho thấy, Hải quân Mỹ thực sự có ý định tích hợp UCLASS UAV vào hệ thống phòng không của mình.
Các câu hỏi về việc UAV này sẽ đóng góp gì cho sức mạnh tấn công đường không dần tìm được câu trả lời rõ ràng khi xem xét sự kết hợp giữa UCLASS UAV và F-35C, thay vì đánh giá tách biệt sức mạnh từng loại máy bay này. Nếu quân đội Mỹ xác định máy bay tiêm kích liên quân JFS F-35 là hạt nhân của mô hình “hệ thống trong hệ thống” kiểu nối kết mạng, bao gồm các loại vũ khí bố trí ở dưới nước, trên mặt đất và thiết bị bay không người lái, thì UCLASS UAV sẽ là loại vũ khí đáng gờm trong một chuỗi kết hợp giữa “ngắm” và “bắn”.
Một UCLASS UAV cất cánh từ tàu sân bay. Ảnh: US Navy |
Lý do phản đối việc sử dụng UAV để giành ưu thế không chiến thì đã được đề cập nhiều. UAV thiếu khả năng nhận biết tình huống so với máy bay có người lái, dễ bị tổn thương trước các biện pháp chế áp điện tử vốn là nguyên nhân làm gián đoạn liên lạc với trung tâm điều khiển. Sự gián đoạn chỉ kéo dài vài giây như thế cũng sẽ là một sự đe dọa lớn đối với số phận của một UAV.
Nhưng nếu nhìn nhận sự đóng góp của UCLASS UAV ở mô hình “hệ thống trong hệ thống”, có thể dễ dàng nhận thấy được tính khả dụng của loại máy bay này. Các máy bay tàng hình F-35 hoạt động trong các môi trường cường độ cao, xác định và theo dõi mục tiêu kết hợp với UAV mang tên lửa mà F-35 chỉ có thể chuyên chở với một số lượng nhất định sẽ là một kịch bản phù hợp. Một chiếc UCLASS UAV có khả năng mang được số vũ khí (bom, tên lửa) lên đến 2.000 kg.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ còn tính đến việc sử dụng các UCLASS UAV như là một máy bay tiếp dầu trên không để tăng thời gian tác chiến và tầm hoạt động cho F-35C. Chuẩn đô đốc Mike Manazir, Giám đốc cơ quan tác chiến không quân của Hải quân Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường thêm khả năng tiếp dầu cho các UAV này. Chúng sẽ có khả năng mang được nguồn nhiên liệu tiếp tế 9.000 kg gas nhưng vẫn bảo đảm thời lượng hoạt động liên tục 7 tiếng rưỡi”.
Sự kết hợp này chính là hình thức không chiến mà các nhà phát triển loại F-35 đã dự tính trước và được coi là một phần trong Chương trình máy bay tiêm kích liên quân (JFSP), dù ít được đề cập một cách công khai vì một số lý. Sẽ không quá khi nói rằng, F-35C và UCLASS UAV sẽ là xương sống của không quân hải quân Mỹ trong tương lai không xa.
HT (Tổng hợp)