Tuổi trẻ Kiên Giang khai thác tài nguyên bản địa để khởi nghiệp

Chiều 17/11, tại tỉnh Kiên Giang đã diễn ra chung kết và trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn tỉnh lần thứ IV năm 2024. Cuộc thi thu hút hơn 70 dự án, qua vòng sơ loại Ban tổ chức đã chọn 16 dự án vào vòng chung kết.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao giải Nhất cho dự án Sản xuất kinh doanh Bột ngũ cốc - Mẹ Nurtured (Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang).

Ông Nguyễn Tấn Kiệt, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá, các dự án, sản phẩm dự thi được đầu tư bài bản. Nhiều dự án đã phát triển thành những sản phẩm bán ra thị trường, nhận được nhiều phản hồi tích cực, có thể mở rộng quy mô sản xuất, chế biến để khởi nghiệp.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao giải Nhì cho dự án Bột tắm lá bàng (Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang).

Các dự án tham gia cuộc thi thuộc đa lĩnh vực, ngành nghề như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, chế biến, cơ khí chế tạo, thủ công mỹ nghệ… Đặc biệt, các dự án đều hướng đến việc tận dụng, khai thác nguồn tài nguyên bản địa, nguyên liệu sẵn có tại địa phương để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho dự án Sản xuất kinh doanh bột ngũ cốc - Mẹ Nurtured của nhóm tác giả đến từ Trường Cao đẳng Kiên Giang; giải Nhì được trao cho dự án Bột tắm lá bàng của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang; dự án Lạp xưởng bò tươi của nhóm sinh viên Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang và dự án Hệ thống quản lý điểm danh thông minh của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang cùng đoạt giải Ba. Ban tổ chức cũng trao 1 giải tiềm năng, 4 giải khuyến khích và 7 giải chuyên đề cho các nhóm tác giả. 

Chú thích ảnh
Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang thuyết trình dự án Máy bay nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang, các dự án tham gia cuộc thi có tính khả thi và tiềm năng phát triển khởi nghiệp. Để các dự án phát triển thành những mô hình khởi nghiệp, ra mắt thị trường cần sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền. Cụ thể là chính sách hỗ trợ về vốn từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho thanh niên, từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư; đẩy mạnh và bám sát hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các quy trình, thủ tục đăng ký bản quyền, nhãn hiệu; hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo theo các tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm... 

Tin, ảnh: Văn Sĩ (TTXVN)
Thanh niên Phú Yên khởi nghiệp từ cây xương rồng
Thanh niên Phú Yên khởi nghiệp từ cây xương rồng

Khởi nghiệp từ các sản phẩm thân thiện môi trường đang là xu thế hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Tại Phú Yên, với niềm đam mê và tâm huyết, anh Trần Văn Vũ đã khởi nghiệp từ loài cây xương rồng mọc phổ biến ở làng biển thị xã Đông Hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN