Giám đốc phụ trách chính sách chống khủng bố của Facebook Brian Fishman. Nguồn: twitter.com |
Trong một tuyên bố chung đăng ngày 15/6, Giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook Monika Bickert và Giám đốc phụ trách chính sách chống khủng bố Brian Fishman cho biết Facebook cam kết trực tiếp giải quyết vấn đề này.
Trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công khủng bố gần đây, dư luận đã đặt câu hỏi về vai trò của các công ty công nghệ trong cuộc chiến chống khủng bố trên mạng.
Hai quan chức này của Facebook khẳng định công nghệ và Facebook có thể là một phần của giải pháp này, đồng thời mô tả cách thức mạng xã hội này tự động nhận diện và gỡ bỏ các thông tin cực đoan liên quan đến tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, al-Qaeda và các tổ chức khác.
Theo Facebook, trang mạng xã hội này đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng khi có hình ảnh hoặc đoạn băng video được đăng tải trên tải từng được xóa bỏ khỏi mạng xã hội này. Facebook đang thử nghiệm dùng trí tuệ nhân tạo để hiểu được ngôn ngữ cũng như các từ và cụm từ cổ xúy hoặc ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Bên cạnh đó, mạng xã hội này cũng đang sử dụng phần mềm nhận dạng các bài viết, các trang hoặc thông tin cá nhân có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.
Trang mạng xã hội cho biết đã có thể phát hiện tốt hơn các tài khoản giả mạo của các đối tượng phạm tội liên tục từng bị mạng xã hội này xóa bỏ do có nội dung cực đoan. Nỗ lực này cũng được mở rộng tới các ứng dụng khác của Facebook trong đó có WhatsApp và Instagram.
Do trí tuệ nhân tạo không thể nắm bắt mọi thứ và vẫn còn có xác suất sai sót, do đó Facebook cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng nguồn nhân lực.
Cụ thể, trang mạng này sẽ thuê thêm 3.000 nhân viên vào năm 2018, làm việc trong suốt 24 giờ mỗi ngày với hàng chục ngôn ngữ nhằm theo dõi và dỡ bỏ các nội dung băng hình có liên quan đến bạo lực.
Tháng 12/2016, Facebook, Twitter, Microsoft và YouTube của Google thông báo sẽ ngừng việc phát tán các đoạn băng hình và thông điệp mang tính cực đoan quay cảnh chặt đầu, hành hình và các nội dung bạo lực.
Tuy nhiên, những gã khổng lồ này vẫn bị cáo buộc là có quá ít động thái cũng như chậm trễ trong việc dỡ bỏ các nội dung mang tính hằn thù cũng như các đối tượng tuyển dụng Hồi giáo cực đoan.
Tháng trước, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các trang mạng xã hội đẩy mạnh cuộc chiến chống nội dung cực đoan trên mạng.