Tokyo nhân rộng 'nhà thờ lớn' dưới lòng đất để tránh ngập lụt do biến đổi khí hậu

Vào đúng 5 giờ sáng 30/8, nước ồ ạt tràn vào một không gian ngầm rộng lớn được gọi là "nhà thờ lớn" ngay phía Bắc Tokyo.

Chú thích ảnh
“Nhà thờ lớn” dưới lòng đất của Tokyo. Ảnh: japan.travel

Lượng nước lớn này bắt nguồn từ những cơn mưa tầm tã đang làm ướt đẫm khu vực thủ đô khi bão Shanshan tấn công phía Tây Nam Nhật Bản, cách đó 600 km.

Nhật Bản đã dành 230 tỷ yên (1,63 tỷ USD) để xây dựng khu phức hợp “nhà thờ lớn” dưới lòng đất, tên chính thức là Kênh xả ngầm khu vực ngoài đô thị, trong 13 năm. Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2006, công trình đã ngăn chặn được hơn 150 tỷ yên thiệt hại do lũ lụt.

“Nhà thờ lớn” có 59 cột khổng lồ, mỗi chiếc có trọng lượng 551 tấn và cao 18 m. Khi những con sông gần đó ngập lụt, nước sẽ tràn qua 6,3 km đường hầm ngầm khổng lồ sau đó đi vào hồ chứa.

Đáy của công trình này mang đến trải nghiệm khác biệt, nó có nhiệt độ riêng, mát hơn nhiều so với bề mặt đất và mùa hè và ấm hơn trong mùa đông. Không gian bên trong tối tăm, được điểm xuyết bằng những tia sáng tự nhiên từ các lỗ trên trần, cộng với những cây cột cao vút gợi lên một công trình tôn giáo cổ xưa, khiến nó được mệnh danh là "nhà thờ lớn” hoặc "đền thờ".

Ngoài đột phá về kỹ thuật, công trình này còn là điểm du lịch và quay phim nổi tiếng của thủ đô Nhật Bản.

“Nhà thờ lớn” và mạng lưới đường hầm rộng lớn của nó đã hoàn thành nhiệm vụ giúp thành phố tránh khỏi bị ngập lụt. Nó có khả năng trữ lượng nước tương đương 100 bể bơi cỡ Olympic. Nhưng tình trạng nóng lên toàn cầu kéo theo thời tiết khắc nghiệt hơn khiến các nhà chức trách Tokyo phải nâng cấp hệ thống một cách đáng kể.

Giáo sư Seita Emori tại Đại học Tokyo, thành viên của nhóm khoa học khí hậu đã giành giải Nobel năm 2007, phân tích: "Khi nhiệt độ tăng, lượng hơi nước trong khí quyển cũng tăng, dẫn đến lượng mưa lớn hơn. Chúng tôi dự đoán rằng lượng mưa lớn chưa từng có tiền lệ sẽ xuất hiện khi nhiệt độ tăng trong tương lai”.

Nhật Bản thường phải đối mặt với các thảm họa thiên nhiên, từ động đất, phun trào núi lửa đến bão và lở đất. Và giống như nhiều nơi khác trên thế giới, quốc gia này đang phải đối phó với thời tiết chưa từng có do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Mùa hè năm nay là mùa hè nóng nhất tại Nhật Bản, kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1898, trong khi lượng mưa kỷ lục ở các vùng phía Bắc đã gây ra lũ lụt thảm khốc vào tháng 7. Tại Tokyo, những cơn bão dữ dội, đột ngột được gọi là mưa rào "du kích", ngày càng phổ biến. Mạng lưới cống rãnh của Tokyo được thiết kế để xử lý lượng mưa lên tới 75 mm mỗi giờ, nhưng ngày càng có nhiều cơn bão mạnh mang theo lượng mưa lên tới 100 mm, khiến hệ thống quá tải.

“Nhà thờ lớn” đã hoạt động bốn lần vào tháng 6, nhiều hơn cả năm 2023. Trong cơn bão Shanshan, nó đã thu thập đủ nước để lấp đầy 4 sân vận động bóng chày Tokyo Dome. Sau đó, nước được bơm an toàn vào sông Edogawa và ra biển.

Tuy nhiên, hệ thống này vẫn không thể ngăn chặn tình trạng ngập lụt của hơn 4.000 ngôi nhà do mưa bão lớn vào tháng 6/2023. Những trận lũ lụt đó đã thúc đẩy chính quyền bắt tay vào một dự án trị giá 37,3 tỷ yên để gia cố đê và thoát nước trong khu vực.

Và gần trung tâm Tokyo hơn, một dự án lớn khác đang được tiến hành để kết nối các kênh dẫn nước tràn từ sông Shirako và Kanda. Khi hoàn thành vào năm 2027, dự án sẽ dẫn nước lũ xuống lòng đất khoảng 13 km ra Vịnh Tokyo.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: Tác động và giải pháp
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: Tác động và giải pháp

Mực nước biển dâng cao đang gây ra mối đe dọa toàn cầu, đặc biệt là đối với các đảo thấp và các thành phố ven biển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này và chúng ta có thể ứng phó như thế nào? 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN