Sóng vô tuyến nhanh (viết tắt là FRB) thường là các đợt sóng vô tuyến chỉ dài vỏn vẹn một phần nghìn giây trong không gian. Thông thường, sóng vô tuyến riêng biệt chỉ phát một lần và không lặp lại. Tuy nhiên, FRB thường phát ra những bước sóng vô tuyến ngắn, mạnh nhiều lần. Theo những lần quan sát trước đó, thông thường khi lặp lại, FRB có thể phát tín hiệu lẻ tẻ hoặc theo chùm.
Theo kênh CNN, trong khoảng thời gian từ 16/9/2018 đến 30/10/2019, các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Thí nghiệm Định hình Cường độ Hydro Canada (CHIME) đã phát hiện một vòng lặp phát tín hiệu vô tuyến là 16,35 ngày. Trong 4 ngày đầu tiên, mỗi giờ, tín hiệu sẽ phát ra 1 hoặc 2 bước sóng. Sau đó, tín hiệu sẽ yên lặng trong 12 ngày tiếp theo.
Tín hiệu bí ẩn này có tên khoa học là FRB 180916.J0158+65. Năm ngoái, đội ngũ hợp tác CHIME/FRB đã phát hiện ra các nguồn phát 8 tín hiệu sóng vô tuyến nhanh mới, bao gồm tín hiệu trên.
Các nhà khoa học hy vọng bằng cách tìm hiểu nguồn gốc của những sóng vô tuyến bí ẩn này, con người có thể giải mã được những bí ẩn trong không gian.
“Việc phát hiện ra chu kỳ lặp 16,35 ngày đối với việc phát tín hiệu sóng vô tuyến nhanh là một đầu mối hết sức quan trọng để tìm ra bản chất của nguồn phát”, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu.
Trong tài liệu nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đưa ra giả thuyết về nguyên nhân gây ra hiện tượng lặp, bao gồm sự chuyển động quỹ đạo của một ngôi sao hoặc vật thể bên ngoài một thiên hà. Một số tác giả khác cũng đề cập tới nguyên nhân có thể xuất phát từ sự tương tác giữa một sao neutron và hệ sao đôi OB.
Sao neutron là sao nhỏ nhất trong vũ trụ. Mặc dù đường kính của chúng tương đương với kích thước của một thành phố như Chicago hay Atlanta song các sao này cực kỳ dày đặc và có khối lượng lớn hơn Mặt Trời.
Trong khi đó, hệ sao đôi OB là những ngôi sao lớn, nóng rẫy, tồn tại trong thời gian ngắn. Sự tương tác giữa hai vật thể này có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lặp lại FRB.