Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng khẳng định những đơn vị nhận giải thưởng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số với nền kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số hàng đầu trong khu vực và tiên tiến trên thế giới.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên nền tảng dữ liệu lớn đã được thu thập là giải pháp chuyển đổi số được nhiều đơn vị áp dụng hiệu quả.
Hoạt động chuyển đổi số của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ được đánh giá cao với kết quả số hóa dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn. Đơn vị đã nghiên cứu và ứng dụng một số giải pháp công nghệ mới, công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), giúp nâng cao hiệu suất làm việc, năng lực dự báo, cảnh báo, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai ở khu vực Nam Bộ. Đó là công cụ tự động thu thập - phân tích dữ liệu ảnh mây vệ tinh Himawari và radar thời tiết Nhà Bè; hệ thống đồng hóa dữ liệu quan trắc cho mô hình dự báo thời tiết độ phân giải cao WRF, công cụ phân tích và số hóa bản đồ phân tích thời tiết... Bộ công cụ thu thập và số hóa dữ liệu quan trắc cũng như các ứng dụng công nghệ AI trong quan trắc, dự báo thời tiết nguy hiểm trong thời gian ngắn như mưa lớn, ngập lụt đô thị có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ, hỗ trợ chính quyền và phục vụ nhân dân.
Đà Nẵng những năm gần đây đã có thay đổi căn bản trên cơ sở xác định chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ. Họ là đối tượng được hưởng lợi từ dịch vụ công, nâng cao tiện ích xã hội. Hệ thống xử lý thủ tục hành chính không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Thành công của Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, cải cách thủ tục hành chính. Năm 2022, kinh tế số đóng góp 17,5% trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng, ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm). Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,3 doanh nghiệp/1.000 dân (gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc). Thành phố có hai doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
Tại UBND tỉnh Lạng Sơn việc ứng dụng Nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp - "iSee Lạng Sơn" đã mang lại nhiều tiện ích. Được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như AI, BigData… nền tảng "iSee Lạng Sơn" cho phép trợ lý ảo giao tiếp với người dân bằng giọng nói trong nhiều ngữ cảnh khác nhau với ngôn ngữ tự nhiên. 'iSee Lạng Sơn' nhận dạng giọng nói với độ chính xác cao và người dùng được tùy chọn giọng nói, tốc độ nói khi giao tiếp. Đại diện sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chia sẻ: Là tỉnh miền núi, Lạng Sơn có 5 huyện giáp biên giới với tổng dân số hơn 781.000 người. Kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế, đường xá ở nhiều thôn, bản còn khó khăn. Do đó, người dân có thể sử dụng trợ lý ảo giúp tra cứu các thủ tục về dịch vụ hành chính công là cách làm đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho địa phương.
Chuyển đổi số bằng nền nảng
Để chuyển đổi số nhanh, đồng bộ, bền vững, việc sử dụng nền tảng, triển khai hệ thống là giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã triển khai nền tảng ngân hàng số di sản văn hóa, hỗ trợ du lịch thông minh. Hệ thông ngân hàng số di sản có các giải pháp giới thiệu hơn 560 di sản văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 4 cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp quốc gia và 10 bảo vật Quốc gia, cầu Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm năm 1972...
Ứng dụng "Di sản văn hóa Quảng Trị" như một "bản đồ số" hỗ trợ du khách chủ động lộ trình tham quan theo nhu cầu và điều kiện (thời gian, sức khỏe…), giúp cá nhân hóa hành trình tham quan tối ưu. Với hệ thống thông tin đa dạng, ứng dụng này đáp ứng nhu cầu tiếp cận mở phục vụ mục đích giáo dục và du lịch văn hóa. Du khách đến đây sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin để tham quan nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là trải nghiệm mới về lịch sử thông qua tương tác với mô hình 3D.
Tại Bình Phước, Hệ thống thông tin nguồn triển khai hiệu quả đã cung cấp thông tin cho hệ thống truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bảng tin điện tử công cộng. Hạ tầng kỹ thuật của hệ thống đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, kết nối với Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và đã được vận hành. Đã có khoảng 10.500 tin, bài được phát hành qua hệ thống thông tin nguồn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định: Hệ thống thông tin nguồn, trong đó điển hình là "bộ não số" IOC, trung tâm phục vụ hành chính công các cấp... được duy trì hoạt động tốt, là nền tảng quan trọng để từng bước hình thành phong cách lãnh đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng được trao giải Chuyển đổi số năm 2023 nhờ kết quả ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý lưu trú được hơn 4.000 cơ sở lưu trú du lịch sử dụng. Hệ thống phần mềm đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng internet đã giúp việc khai báo đăng ký thông tin du khách trực tuyến trên hệ thống được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, chính xác. Các cơ sở lưu trú không cần khai báo giấy với cơ quan chức năng. Với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cũng là cơ quan nhà nước được tặng Giải thưởng Chuyển đổi số 2023.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng ghi nhận những đóng góp của các đơn vị vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Giải thưởng đã cho thấy phần nào sức mạnh, lòng nhiệt huyết và trí tuệ của người Việt Nam, đồng thời khẳng định được rằng chỉ có sản phẩm Make in Viet Nam mới giải quyết tốt nhất những bài toán của người Việt.
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là giải thưởng thường niên do Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử VietTimes thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Qua 5 mùa, Giải thưởng đã tiếp cận được tổng cộng hơn 13.000 lượt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành; thu hút gần 1.400 hồ sơ tham dự; vinh danh gần 350 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu. Giải thưởng góp phần ghi nhận và khích lệ các cá nhân, đơn vị, tổ chức nỗ lực hơn nữa trong những hành động thiết thực thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam.