Theo thống kê của Adobe Digital Insights, đợt giảm giá Lễ Tạ ơn kéo dài 4 ngày qua ghi nhận mức doanh thu bán hàng trực tuyến lên tới 36,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái. Đáng chú là hơn 30% trong số đó đến từ các thiết bị di động.
Theo Adobe, "Black Friday" đã lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên cán mốc doanh thu 3 tỷ USD (3,34 tỷ USD), trong đó mua sắm qua thiết bị di động lên tới 1 tỷ USD. Trong ngày Lễ Tạ Ơn (24/11), doanh số bán hàng trực tuyến đạt 1,93 tỷ USD và 40% trong đó là mua sắm qua điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy tính bảng (tương đương 771 triệu USD). Dự đoán doanh thu trực tuyến trong ngày "Cyber Monday" - ngày Thứ Hai sau "Black Friday" - có thể lên tới 3,36 tỷ USD, và thiết bị di động đóng góp tới 38%.
Công ty thanh toán trực tuyến PayPal báo cáo "tăng trưởng ở mức 2 con số về khối lượng thanh toán" trên các thiết bị di động trong 8 giờ đầu tiên của "Cyber Monday", nhận định đây là sự thay đổi trong bản chất hoạt động mua sắm của người dân". Công ty nghiên cứu eMarketer, trong khi đó, cho rằng nguyên nhân dẫn tới xu hướng trên là do người tiêu dùng hiện được trang bị các smartphone lớn hơn với cấu hình mạnh hơn, hỗ trợ hoạt động xem và mua hàng trực tuyến dễ dàng.
Theo một khảo sát khác, tính đến ngày 28/11, mua sắm qua điện thoại thông minh gấp 2 lần trên máy tính bảng, lần lượt là 27% và 13%.
Ngày "Black Friday" 25/11 và trước đó một ngày là Lễ Tạ ơn được coi là thời điểm mở màn cho mùa mua sắm và nghỉ lễ lớn nhất trong năm tại Mỹ. Ngày Thứ Hai đầu tiên sau ngày "Black Friday" được gọi là "Cyber Monday", ngày khởi động cho mùa mua sắm trên mạng giữa dịp Lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Mua mua sắm từ tháng 11 đến tháng 12 thường rất quan trọng, có thể chiếm đến 40% doanh số bán hàng cả năm của các hãng bán lẻ.