Thị trường châu Á - thuốc thử cho Boeing và Airbus

Sau nhiều năm tập trung phát triển loại máy bay dân dụng kích thước lớn và có thể thực hiện các hành trình dài thì các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đang chuyển dần sang loại máy bay với hành trình bay ngắn hơn để phù hợp với nhu cầu đi lại nội địa và túi tiền của các khách hàng mới nổi ở châu Á.

Một mẫu máy bay của Boeing. Ảnh: Internet.


Sự điều chỉnh của Boeing và Airbus


Boeing và Airbus đã tốn hàng tỷ USD để phát triển các loại máy bay hiện đại, có thể bay liên tục trên quãng đường bằng 1/3 vòng Trái đất nhưng tình hình suy thoái kinh tế đang buộc họ phải điều chỉnh chiến lược.

Tháng 6 vừa qua, tại Triển lãm hàng không Paris, Boeing đã trình làng phiên bản mới của loại máy bay Dreamliner (Boeing 787), giảm bớt tầm bay 1.800 km và kéo dài thân máy bay để bố trí được nhiều ghế ngồi hơn.

"Người khổng lồ" Mỹ cho biết, mẫu 787-10 Dreamliner mới ra này là loại máy bay hiệu quả và đáng giá nhất hiện có, với việc tối ưu hóa cho vận tải hành trình ngắn, đặc biệt hướng tới các hành trình ở khu vực châu Á.

Về phần mình, Airbus cũng cho biết họ vừa nhận được kế hoạch từ các nhà thiết kế để sản xuất phiên bản “Regional” (tầm bay ngắn) của "siêu máy bay" A380.

Đồng thời, sau nhiều năm nâng cấp loại máy bay vận tải hành khách cũ là A330 để đạt hành trình dài hơn, hãng này cho biết họ cũng sẽ đưa ra phiên bản "Regional" với hành trình ngắn hơn. Các mẫu mới này nhắm vào khách hàng đầy tiềm năng là thị trường nội địa Trung Quốc và Ấn Độ.

Hướng tới châu Á

Quyết định trên của hai ông lớn trong ngành hàng không phản ánh hai cuộc chiến: cạnh tranh giữa hai đối thủ truyền thống Boeing - Airbus và công cuộc tự điều chỉnh trong thời kỳ kinh tế thế giới chuyển biến sâu sắc. Trong lúc này, các nước mới nổi tại châu Á đang nhanh chóng trở thành những khách hàng lớn của các hãng sản xuất máy bay.

Trong 20 năm tới, vận tải hàng không của châu Á sẽ chiếm 50% của thế giới và vận tải nội địa khu vực này cũng đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù đánh giá này vẫn có thể là chưa chính xác hoàn toàn khi mà kinh tế Trung Quốc đang suy giảm nhưng Boeing dự đoán vận tải khu vực châu Á sẽ tăng 6,5%/năm trong 2 thập kỷ tới, cao hơn mức 5% của trung bình thế giới.

Trong đó, ba khu vực tăng trưởng hàng đầu là ở Nam và Đông Nam Á, nơi tất cả các đường bay này đều có khoảng cách ngắn hơn tầm bay được thiết kế của các siêu máy bay.

Mới đây, Singapore cũng vừa thực hiện một hợp đồng mua máy bay lớn nhất từ trước tới nay, bao gồm cả những mẫu máy bay tầm ngắn. Với bản hợp đồng trị giá 17 tỷ USD ký hồi tháng 6, Singapore Airlines sẽ mua về hai loại máy bay Boeing 787-10 và A350-900, mỗi loại 30 chiếc, có thể bao gồm cả loại A350 phiên bản tầm bay ngắn.

Máy bay A350 thế hệ mới của Airbus cất cánh tại Paris Air Show hồi tháng 6/2013.


Nhu cầu về máy bay có thay đổi mang tính cơ bản

Boeing dự kiến sẽ phát triển mẫu 787 mới bằng cách kéo dài thân máy bay và tăng số lượng ghế cho mẫu 787-9. Theo đó, mẫu máy bay mới 787-10 sẽ có nhiều ghế hơn, với 323 ghế và tầm bay bị rút ngắn, giúp các hãng hàng không giảm chi phí và tăng tối đa lợi nhuận.

Trong khi đó, Airbus đang phát triển phiên bản đường bay ngắn của A380 với việc điều chỉnh các thông số kỹ thuật mà không động chạm tới kích thước máy bay.

Phạm vi bay hay khối lượng hàng hóa có thể chuyên chở của máy bay được quyết định bởi khối lượng tối đa cho phép khi máy bay cất cánh, bao gồm cả xăng. Do vậy, khối lượng cất cánh quyết định quãng đường bay cũng như chi phí vận tải. Khối lượng cất cánh tối đa càng nhỏ thì sẽ giảm cả phạm vi và chi phí bay.
 
Với hành trình ngắn và khối lượng nhỏ hơn thì động cơ máy bay sẽ phải làm việc ít hơn, giúp tiết kiệm được chi phí bảo dưỡng. Những điều chỉnh trên giúp cho các hãng vận tải hàng không có thể mua máy bay với giá rẻ hơn. Và họ có thể chi trả để Airbus nâng cấp máy bay lên bản đầy đủ khi cần thiết.

Thậm chí nhà sản xuất Airbus còn đưa ra các mẫu máy bay dựa trên trên khối lượng cất cánh của máy bay mà hãng vận tải yêu cầu, căn cứ vào nguồn tài chính của bên mua.

Boeing đã chào hàng hãng hàng không Nhật Bản loại 747-400 phục vụ cho bay nội địa với một thay đổi nhỏ trong kết cấu là bỏ phần cánh phụ, vì bộ phận này không cần thiết cho bay đường ngắn.

Airbus là hãng đầu tiên đưa ra nhiều mẫu khác nhau trên một loại máy bay dựa trên nhu cầu khách hàng. Cố vấn cao cấp Rob Morris, thuộc hãng hàng không Ascend có trụ sở tại Anh cho biết: “Tôi coi máy bay A350-900 Regional là một động thái mang tính phòng vệ với 787-10 hơn là giải pháp mang tính tấn công. Loại máy bay này sản xuất chủ yếu dựa trên yêu cầu của khách hàng nhằm tạo ra nhận thức rằng hãng này có thể cạnh tranh được với 787-10”.

Một số chuyên gia khác đánh giá động thái này là hợp lý và có thể tạo áp lực để 787-10 phải giảm giá. Bằng việc chia cắt loại A350-900 thành các mẫu khác nhau, Airbus muốn nhắm tới đối thủ là 787-10 và vẫn giữ nguyên được giá của mẫu chính.

Zafar Khan, chuyên gia phân tích hàng không thuộc ngân hàng Societe Generale của Pháp nhận định: “Họ cố gắng để đưa ra các thiết kết theo yêu cầu của khách nhằm bảo vệ giá của mô hình chính, trong khi giá của các loại thiết kế theo yêu cầu phụ thuộc vào việc đơn giản hóa các thiết kế”.

Các lãnh đạo hãng Airbus cho biết tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh đối với thiết kế là điều khách hàng muốn và như vậy làm việc bán hàng dễ dàng hơn.

Việc đưa ra các mẫu máy bay theo phương châm khác nhau đang bắt đầu châm ngòi cho một cuộc chiến giữa Airbus và Boeing về công nghệ nào sẽ mang tính kinh tế hơn.

Trưởng phòng bán hàng của Airbus là John Leahy cho biết: “Tôi chào hàng mẫu A350 hoạt động tầm ngắn nhằm đánh bại mẫu 787-10 mà bất kỳ hãng hàng không nào đang mong sở hữu”.

Trong khi đó, Phó chủ tịch phụ trách marketing của Boeing Commercial Airplanes cho biết: “Máy bay của chúng tôi nhẹ hơn, có nhiều ghế hơn và đem lại cho khách hàng lợi nhuận cao hơn hàng chục triệu USD trong suốt thời gian vận hành so với máy bay của đối thủ”.

Mặc dù các mẫu máy bay vận tải hành khách cỡ vừa như A350 và 787 là để phục vụ cho thị trường toàn cầu, nhưng cuộc chạy đua để giành thị phần ở thị trường đang mở rộng như ở châu Á là bài thuốc thử cho hai "ông lớn" hàng không này.


Đức Trung (theo Reuters)
Boeing 787 bốc cháy giữa sân bay
Boeing 787 bốc cháy giữa sân bay

Một chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bốc cháy tại sân bay Heathrow ở thủ đô London của Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN