Sau hành trình kéo dài 7 tháng và vượt qua 494 triệu km, tàu vũ trụ mang tên Hy vọng (Hope) của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 9/2 đã nhập thành công vào quỹ đạo sao Hỏa để bắt đầu sứ mệnh thăm dò môi trường sống Hành tinh Đỏ đầu tiên của quốc gia Arab.
Theo Phó Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, nỗ lực thâm nhập quỹ đạo của Sao Hỏa có tới 50% nguy cơ thất bại. Theo đó, tàu thăm dò cần phải đốt cháy khoảng 800kg nhiên liệu mang theo để giảm tốc, phần nguy hiểm nhất trong hành trình.
Năm nay đánh dấu 50 năm sự kiện 7 tiểu quốc, trong đó có Dubai, tuyên bố độc lập và thành lập liên bang UAE. Chương trình khám phá sao Hỏa là một phần trong nỗ lực của UAE nhằm phát triển năng lực khoa học và công nghệ của mình cũng như giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Thậm chí, Cơ quan hàng không vũ trụ UAE còn lên kế hoạch định cư ở Sao Hỏa vào năm 2117.
Hồi tháng 7 năm ngoái, cả UAE, Trung Quốc và Mỹ đều có những kế hoạch khởi động các chương trình thăm dò không gian trên sao Hỏa. Tuy nhiên, không giống như các tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 (Tianwen-1) của Trung Quốc và Mars 2020 của Mỹ, tàu Hy vọng của UAE không thực hiện hạ cánh trên sao Hỏa mà chỉ theo dõi khí quyển của Hành tinh Đỏ từ không gian quỹ đạo, với mục đích đưa ra bức tranh toàn cảnh khí quyển sao Hỏa lần đầu tiên, nghiên cứu sự thay đổi hàng ngày và theo mùa.
"Hy vọng" đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tới được sao Hỏa trong tháng này và dự kiến sẽ truyền dữ liệu thông tin về Trái Đất vào tháng 9 năm nay.