Science bình chọn 10 sự kiện khoa học 2012

Năm 2012 được xem là một trong những năm có nhiều sự kiện khoa học tiêu biểu trên thế giới. Trong số đó, việc phát hiện hạt hạ nguyên tử mới tương thích với hạt cơ bản Higgs Boson đã được tạp chí khoa học hàng đầu của Mỹ Science xếp đầu danh sách 10 sự kiện khoa học nổi bật nhất năm 2012.

Việc phát hiện một hạt hạ nguyên tử mới tương thích với hạt cơ bản Higgs được xem là một bước tiến mới của các nhà khoa học Mỹ trong khám phá tự nhiên bởi nó là một mắt xích còn thiếu trong học thuyết về các hạt cơ bản. Hạt đi kèm với trường Higgs được gọi là hạt Higgs, hay Higgs Boson, đặt theo tên của nhà vật lý Peter Higgs.


 

Thí nghiệm phát hiện hạt tương thích với hạt Higgs Boson. Ảnh: sciencedaily.com


 
Hạt Higgs còn được gọi là "hạt của Chúa" vì tầm quan trọng của nó trong vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỷ năm. Các nhà khoa học tin rằng nếu không có các hạt Higgs, không chỉ loài người mà tất cả các nguyên tử trong vũ trụ đều sẽ không tồn tại.

Ngoài hạt Higgs, các sự kiện khoa học khác được tạp chí Science chọn để vinh danh gồm:

- Các nhà khoa học Đức đã sử dụng một kỹ thuật mới để sắp xếp hoàn chỉnh bộ gien của một nhóm người bí ẩn được gọi là Denisovans, dựa trên một mẫu nhỏ lấy từ xương ngón tay của một hóa thạch người cổ đại sống cách đây khoảng 80.000 năm trong một hang động ở vùng Siberia. Cho đến nay, những gì người ta biết về người Denisovans không gì khác ngoài việc họ sống cùng thời với người Neanderthals, một "họ hàng" của loài người hiện đại.

- Các nhà khoa học Nhật Bản đã tạo ra tế bào trứng có thể tồn tại và phát triển bằng cách sử dụng tế bào phôi của chuột trưởng thành. Bước đột phá này mở ra hy vọng cho những phụ nữ vô sinh do không có khả năng rụng trứng tự nhiên, bằng cách thụ trứng trong ống nghiệm từ chính tế bào của họ và sau đó cấy vào cơ thể của họ.

- Sau một hành trình dài 570 triệu km và khỏang thời gian 8 tháng, ngày 6/8, tàu thăm dò Sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất từ trước đến nay mang tên Curiosity đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Sao Hỏa, bắt đầu sứ mệnh tìm dấu hiệu của sự sống trên Hành tinh Đỏ.

Được phóng lên vũ trụ ngày 26/11/2011 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida Mỹ, tàu Curiosity đã vượt qua giai đoạn mà các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gọi là "7 phút kinh hoàng", trong đó Curiosity bay xuyên qua bầu khí quyển Sao Hỏa có nhiệt độ lên tới 870 độ C với vận tốc đạt 20.000 km/h. Sứ mệnh của tàu Curiosity dự kiến kéo dài hai năm.

- Việc sử dụng kỹ thuật lade chiếu tia X sáng gấp một tỷ lần so với các nguồn tia X thông thường cho phép các nhà khoa học xác định cấu trúc của một loại protein liên quan đến sự lây lan dịch bệnh ngủ triền miên đe dọa mạng sống của nhiều người ở châu Phi.

- Một công cụ mới cho phép các nhà nghiên cứu sửa đổi hoặc vô hiệu hóa hoạt động của các gien ở động vật thí nghiệm. Công nghệ này có thể có hiệu quả và thậm chí còn rẻ hơn so với các kỹ thuật tác động gien hiện nay, có thể cho phép các nhà nghiên cứu tập trung vào những vai trò cụ thể đối với gien và những đột biến gien ở người khỏe mạnh hoặc người bị bệnh.

- Các nhà khoa học đã xác nhận sự tồn tại của hạt Majorana fermion. Khác với tất cả các hạt fermion khác, Majorana lại hoạt động giống y như phản hạt của chính nó, và các hạt Majorana có thể triệt tiêu nhau khi tiếp xúc với phản hạt. Các nhà khoa học cho rằng hạt Majorana fermion sẽ mang lại một ứng dụng trong thực tế, đó là cách thức lưu trữ và xử lý thông tin đơn giản và hiệu quả hơn so với các đơn vị thông tin lượng tử "bit" trong điện toán lượng tử.

- Dự án mã hóa (ENCODE Project) cho thấy 80% bộ gien người hoạt động tích cực, giúp các gien "bật" hoặc "tắt". Thông tin mới này có thể giúp các nhà khoa học hiểu được những yếu tố rủi ro về di truyền đối với bệnh dịch.

- Một cơ chế xử lý giống não người cho phép những người bị liệt dùng suy nghĩ để cử động cánh tay giả làm bằng kim loại và thực hiện các cử động theo ba chiều. Công nghệ thử nghiệm này đầy hứa hẹn đối với các bệnh nhân bị liệt do đột quỵ và chấn thương cột sống.

- Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện thông số cuối cùng chưa được biết tới của một mô hình miêu tả cách thức các hạ nguyên tử sub-atomic thay đổi những neutrino khi chúng di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng. Kết quả cho thấy ngành vật lý neutrino một ngày nào đó có thể giúp các nhà nghiên cứu giải thích vì sao vũ trụ có quá nhiều vật chất và quá ít phản vật chất.


TTXVN/Tin tức
NASA phủ nhận ngày tận thế
NASA phủ nhận ngày tận thế

Trong khi không ít người dân trên thế giới hoang mang lo sợ, thậm chí đổ xô đi mua lương thực dự trữ, vật dụng mong sống sót qua “ngày tận thế” theo tiên đoán của người Maya thì Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) lại phủ nhận ngày tận thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN