Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, Dự án nuôi tảo xoắn tại Công ty đã thành công. Kết quả này có được nhờ sự phối hợp, liên kết giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp. Qua đó, không chỉ giúp các nhà khoa học mạnh dạn nghiên cứu các đề tài mới, doanh nghiệp có thêm sản phẩm cạnh tranh chất lượng mà còn góp phần đưa ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.
Tảo xoắn Spirulina được gọi là tảo “thần kỳ” bởi chứa nhiều chất đặc biệt có tác dụng bổ dưỡng sức khỏe và có nhiều ứng dụng trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trước đây, trên thế giới, chỉ có một số ít quốc gia như Nhật Bản, Pháp… nuôi trồng sản xuất, xuất khẩu loại tảo này. Ở Việt Nam, sản phẩm chiết xuất từ tảo xoắn còn rất ít, tỷ lệ ngoại nhập chiếm trên 70% và giá rất cao.
Năm 2017, tảo xoắn được các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam chuyển giao công nghệ nuôi trồng cho Công ty Cổ phần khoa học công nghệ tảo VN Vastcom ngay tại Nghệ An. Với sự hợp tác chặt chẽ, sau 7 năm miệt mài, loài tảo xoắn “khó tính” đã được nuôi trồng trên quy mô lớn.
Trưởng nhóm chuyển giao, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Diễm Hồng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, khi nuôi trên quy mô lớn, chủng giống dễ bị thoái hóa, nhiễm vi sinh vật, tảo tạp. Mỗi vùng, miền khác nhau, quần thể vi sinh vật nhiễm vào quần thể tảo cũng khác nhau. Vì vậy, các nhà khoa học phải rất cẩn thận, tỉ mẩn. Tại miền Trung, do đặc thù điều kiện khí hậu khắc nghiệt, từ trước đến nay, chưa có đơn vị nào nuôi trồng và phát triển thành công tảo xoắn Spirulina. Năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ FIRST, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao giống và công nghệ trên quy mô nuôi khác nhau. Khu sản xuất tảo xoắn Spirulina ứng dụng công nghệ sinh học vi tảo khá phức tạp, bao gồm nhiều công đoạn. Đội ngũ nhân viên công ty đã phối hợp, tiếp nhận nhanh chóng.
“Sau khi được nhân cấy trong phòng giống cấp 1, tảo được chăm sóc theo một chế độ nghiêm ngặt, duy trì liên tục nguồn sục khí oxy và ánh sáng. Sau đó, tảo cho ra phòng giống cấp 2 theo tỷ lệ phù hợp rồi mới cho ra bể nuôi ngoài trời. Để sản xuất được sản phẩm tảo Spirulina, quy trình phải đảm bảo nghiêm ngặt, nhất là công tác vệ sinh môi trường. Nếu chủ quan, bất cẩn trong bất cứ khâu nào, tảo dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, nhiễm tảo lạ, không phát triển được. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra nồng độ pH cho tảo, kiểm tra phân tích hóa nghiệm tỷ lệ nồng độ vi lượng để có sự phát triển phù hợp nhất”, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Diễm Hồng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ tảo VN Vastcom (Nghệ An) cho biết, nhờ sợ phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đến nay, Công ty đã làm chủ được quy trình, công nghệ nuôi phù hợp, chủ động về con giống và kiểm soát được quá trình nuôi. Hiện các sản phẩm từ tảo của công ty đã được đưa ra thị trường làm thực phẩm chức năng để nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Ngoài sản phẩm chức năng, đơn vị còn phát triển các chế phẩm dùng vào nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Đặc biệt, một số chất được chiết xuất từ tảo xoắn như Chlorin e6 trimethylester, Chlorin e6 monomethy làm thực phẩm chức năng điều trị ung thư, có giá trị kinh tế rất cao.
Với quy mô gần 2 ha, sản lượng công ty đạt được là khoảng 5 tấn sinh khối/năm. Sinh khối tảo sau khi thu có thể được sử dụng trực tiếp dưới dạng sản phẩm tảo tươi (bảo quản đông lạnh) hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, hút ẩm bảo đảm nguyên màu, nguyên chất của sản phẩm. Từ bột tảo xoắn, công ty đã nghiên cứu được các sản phẩm chế biến từ tảo Spirulina theo hướng sử dụng làm thực phẩm chức năng và thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, một số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thành công của mô hình khẳng định sự đúng đắn của Nhà nước trong định hướng phát triển ngành Thủy sản. Thành công này với những sản phẩm chất lượng cao là động lực để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ cùng với doanh nghiệp cho ra những sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Thời gian tới, Cục tiếp tục có những hình thức tổ chức liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp từ nghiên cứu, sản xuất đến quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Dù đã thành công khi đưa ra sản xuất quy mô bán công nghiệp, công nghiệp nhưng hiện giá thành còn cao, công tác tuyên truyền, quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế khiến các sản phẩm ít được người dân biết đến. Vì vậy, trên thực tế, hầu hết các sản phẩm từ tảo xoắn hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Với mục tiêu đóng góp 7% vào GDP năm 2030, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Hy vọng, đây sẽ là động lực đưa ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng đóng góp tích cực vào GDP cả nước.