Trong một cuộc thám hiểm gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bọt khí methane thoát ra ở độ sâu 400 m (tính từ đáy biển) tại Landsortdjupet, ngoài khơi thị trấn Nynashamn ở Đông Nam Thụy Điển, trong khu vực rộng 20 km2.
Khí methane là một trong những loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng 10 năm nhưng có khả năng hấp thụ nhiệt gấp 80 lần so với CO2. Khí methane sản sinh từ các nhà máy hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch, các hố chôn rác, hoạt động chăn nuôi gia súc của con người hoặc các nguồn tự nhiên như các vùng đất ngập nước. Giới khoa học cho rằng khí này là "thủ phạm" gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cho đến nay. Xử lý khí thải methane đã trở thành một phần nỗ lực của thế giới nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhà nghiên cứu Christian Stranne tại Đại học Stockholm cho biết khí methane có thể sủi bọt dưới đáy biển nông ven bờ Biển Baltic, nhưng đây là lần đầu tiên methane sủi bọt mạnh ở độ sâu lớn như vậy. Ông là thành viên tham gia dự án nghiên cứu do Đại học Stockholm và Đại học Linne thực hiện.
Thông thường, các nhà nghiên cứu quan sát bọt khí methane xuất hiện ở độ sâu cách đáy biển 150-200 m, nhưng trong cuộc thám hiểm này, bọt khí methane xuất hiện cách đáy biển 370 m, tức là gần bề mặt đại dương một cách bất thường.
Chuyên gia Stranne nhấn mạnh: “Đây có thể là một kỷ lục thế giới mới, buộc chúng ta phải đánh giá lại mối liên hệ giữa các vùng biển sâu và lượng khí methane ở bề mặt đại dương”. Ông cho biết hiện tượng khí methane sủi bọt ở độ sâu này có thể do các vùng nước sâu của Biển Baltic không có oxy. Theo đó, trong môi trường không có oxy, các bọt khí methane không bị vỡ ra, khiến cho việc vận chuyển khí methane lên bề mặt hiệu quả hơn. Chuyên gia này cũng cho biết có thể có những vụ rò rỉ khí methane tương tự ở các khu vực khác của Biển Baltic.
Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể thực hiện các phân tích sâu hơn để xác định lý do tại sao lại có quá nhiều khí methane giải phóng ở khu vực này.
Ông Marcelo Ketzer, Giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Linne, cho biết hiện giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ các yếu tố khiến lượng khí methane rò rỉ ở những khu vực sâu hơn này cũng như điểm đến của khí methane.