Nằm giữa lớp phủ và lõi của Trái Đất sâu dưới lòng đất là một lớp “thế giới” bí ẩn gồm những ngọn núi cao gấp 5 lần đỉnh Everest.
Bằng phương pháp ảnh địa chấn quy mô lớn, các nhà khoa học đã tìm thấy một lớp địa chất phức tạp được tạo thành từ mảng đại dương cổ đại, nhiều khả năng đã bị chính lớp lõi Trái đất hút chìm từ bề mặt vào bên trong.
Ngự trị ở độ sâu khoảng 3.200km, “thế giới” đáy đại dương cổ đại này có những điểm cao từ 5km đến hơn 40km, tức cao gấp 5 lần “nóc nhà” Everest của thế giới, tạo thành những ngọn núi hùng vĩ.
Dữ liệu nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí Science Advances cho thấy “thế giới” này có thể là vùng vận tốc cực thấp (ULVZ) - được biết đến là đáy đại dương cổ đại hình thành sau quá trình hút chìm dưới lòng đất từ lâu.
Sở dĩ gọi là vùng vận tốc cực thấp là bởi vận tốc sóng địa chấn chậm lại khi đi qua các cấu trúc dày đặc hơn phần đá nóng thông thường của lớp phủ.
Về cơ bản, lớp đáy đại dương được đưa vào bên trong lõi của hành tinh, nơi hai mảng kiến tạo gặp nhau, và mảng này lặn xuống bên dưới mảng kia.
Mặc dù ULVZ không phải là một khái niệm mới đối với khoa học, nhưng cho đến tận bây giờ, nó chỉ mới được phát hiện ở các mảng bị cô lập.
Lần đầu tiên, nhóm nhà khoa học do Đại học Alabama (Mỹ) dẫn đầu đã khảo sát được một khu vực quan trọng ở Nam bán cầu bằng cách sử dụng kỹ thuật ghi chép sóng âm dội lại từ hàng rào lõi - lớp phủ của Trái đất.
Qua bốn chuyến đi thực tế đến Nam Cực, tác giả chính, Giáo sư Samantha Hansen cùng với các sinh viên và những đồng nghiệp khác, đã triển khai một mạng lưới địa chấn chuyên sâu có độ phân giải cao làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu trong vòng ba năm.
15 trạm trong mạng lưới địa chấn của họ đã sử dụng sóng địa chấn do các trận động đất trên toàn thế giới để tạo ra hình ảnh về vùng địa chất bên dưới Trái Đất, giống như chụp cắt lớp cơ thể người tại cơ sở y tế.
Kết quả, nhóm nghiên cứu quốc tế này đã phát hiện nguồn năng lượng bất ngờ trong dữ liệu địa chấn.
"Phân tích 1.000 bản ghi chép địa chấn từ Nam Cực, chúng tôi đã tìm thấy các vùng vật chất mỏng dị thường. Độ dày của lớp vật chất này thay đổi từ vài km đến 10 km. Cho chúng ta thấy những ngọn núi ở lõi, một số nơi cao gấp 5 lần so với đỉnh Everest”, đồng tác giả, Tiến sĩ Edward Garnero cho biết.
Nhiều khả năng, những ngọn núi ngầm này đóng một vai trò quan trọng trong việc giải phóng nhiệt từ lõi từ của hành tinh.