Tuyên bố chung được công bố ngày 10/7 cho biết Mỹ sẽ xây dựng cơ chế để các phi hành gia Nhật Bản có cơ hội hoạt động tại trạm không gian trên quỹ đạo và bề mặt của Mặt Trăng mà Mỹ sẽ triển khai xây dựng. Nội dung hoạt động, số lượng phi hành gia và thời gian hạ cánh sau này sẽ được cơ quan chức năng hai nước thảo luận chi tiết.
Trải qua gần nửa thế kỷ kể từ kế hoạch phóng tàu vũ trụ Apollo, Mỹ dự kiến sẽ triển khai kế hoạch Artemis để đưa phi hành gia nước này lên Mặt Trăng vào năm 2024. Để chuẩn bị cho kế hoạch đưa phi hành gia Nhật Bản lên Mặt Trăng trong khuôn khổ chương trình này của Mỹ, Cơ quan nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) dự kiến sẽ chính thức tuyển chọn phi hành gia và xem xét đảm bảo vấn đề ngân sách. Mỹ dự kiến sẽ sử dụng tàu vũ trụ có người lái dạng mới có sử dụng tên lửa kích thước lớn, đồng thời sẽ xây dựng trạm không gian trên quỹ đạo của Mặt Trăng với chức năng như một trạm trung chuyển để các phi hành gia hạ cánh xuống bề mặt của hành tinh này.
Cũng theo tuyên bố trên, các hãng chế tạo ô tô Toyota và JAXA sẽ phát triển loại xe thám hiểm bề mặt Mặt Trăng và dự kiến hoàn thành vào năm 2029. Dữ liệu của tàu thám hiểm Mặt Trăng Slim, theo dự kiến sẽ được JAXA phóng lên mặt trăng vào năm 2022, cũng sẽ được sử dụng cho kế hoạch này.
Ngoài ra, để phục vụ xây dựng trạm không gian trên quỹ đạo Mặt Trăng, các phòng ở có kích thước nhỏ dành cho phi hành gia dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2023, trong khi phòng ở kích thước lớn do Nhật Bản và châu Âu phát triển sẽ được phóng vào năm 2025. Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị nguồn điện, thiết bị duy trì, đảm bảo môi trường sống, các loại máy cung cấp thực phẩm...
Năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tham gia kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng của Mỹ và hai nước đã tiến hành thảo luận trong suốt thời gian qua. Việc đạt được tuyên bố chung nói trên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực khai thác phát triển vũ trụ của Nhật Bản.