Đại biểu tham quan tìm hiểu các giải pháp, dịch vụ cung cấp thiết bị trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng tại Sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2016”. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Theo số liệu từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT ), trong năm 2015 Việt Nam đã phải hứng chịu 31.500 vụ tấn công mạng.
Năm 2016, con số này tăng kỷ lục tới 134.375 sự cố tấn công mạng ở cả 3 loại hình phishing (lừa đảo), malware (mã độc) và deface (tấn công thay đổi giao diện). Một số chuyên gia công nghệ thông tin tiếp tục đưa ra những cảnh báo và quan ngại về tình hình an ninh mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2017.
Năm 2016, báo cáo kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Tập đoàn công nghệ BKAV cho biết: mức thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên tới 10.400 tỷ, vượt qua mức 8.700 tỷ đồng năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ lệ USB nhiễm virus trong năm 2016 vẫn ở mức rất cao 83%, không giảm so với 2015.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông , từ khảo sát độc lập của một số tổ chức trong và ngoài nước, có đến 66% số lượng máy tính Việt Nam đã bị phần mềm độc hại tấn công, lây nhiễm mã độc.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Nguyễn Huy Dũng nhận định: Các cuộc tấn công có chủ đích vào những hệ thống thông tin quan trọng sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2017. Đặc biệt là một số hệ thống liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông, tài chính ngân hàng và một số hệ thống điều khiển.
Hiện nay, mạng internet được ứng dụng sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời là công cụ đắc lực trong việc trao đổi và lưu giữ thông tin các quốc gia. Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn quan ngại sẽ xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin và tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền không gian mạng quốc gia . Chiến tranh mạng sẽ mở rộng cả về quy mô và cường độ với nhiều loại hình tấn công mới.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam bày tỏ lo lắng khi sự phát triển nhanh của công nghệ hiện nay đã kéo theo sự gia tăng phức tạp nhiều mã độc. Xu hướng tấn công vào các thiết bị kết nối internet đang ngày càng nhiều, xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh và đánh cắp thông tin cũng đang gia tăng rất đáng ngại.
Công nghệ số tạo ra thế giới phi tuyến, trong đó, con người, sự vật đều sử dụng những mã định danh vào việc lừa đảo, giả mạo để trục lợi thông qua mạng xã hội, đặc biệt là vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân tiếp tục là vấn đề nóng. Năm 2017, công nghệ internet kết nối vạn vận bùng nổ cũng kéo theo các nguy cơ mất an toàn thông tin đến từ các thiết bị kết nối internet. Trong tương lai không xa, mỗi thiết bị phục vụ cuộc sống đều được tích hợp, kết nối mạng. Trong trường hợp các thiết bị này có lỗ hổng, bị dính phần mềm độc hại thì các thiết bị đó sẽ là trở thành thiết bị gián điệp nằm vùng sẵn trong hệ thống của mỗi gia đình.
Trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin đã được ban hành như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật giao dịch điện tử, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử... Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cũng nhận thức đầy đủ về việc đảm bảo an toàn thông tin mạng và có những hành động thiết thực.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Bộ đã xây dựng được mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia với 124 đơn vị thành viên gồm hơn 500 kỹ sư công nghệ hoạt động trên cả nước, phối hợp xử lý hàng chục nghìn sự cố,góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới để đảm bảo vấn đề an ning mạng toàn cầu (Hà Lan, Hàn Quốc …)
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Hoàng Sơn cho biết: Trong 5 năm qua, Viettel đã xây dựng lực lượng an toàn thông tin với mục tiêu ngắn hạn là để bảo vệ tốt thông tin nội bộ và khách hàng. Mục tiêu dài hạn của việc này là góp phần xây dựng một không gian mạng an toàn mà mọi thành phần trong đó đều được giám sát bảo vệ.
Trong chiến lược phát triển của mình, Tập đoàn Công nghệ CMC đã định hướng xây dựng và khẳng định vị thế chuyên gia về an ninh an toàn thông tin tại Việt Nam khi tập trung đầu tư vào việc cung cấp các giải pháp nâng cao bảo mật từ nội lực của doanh nghiệp cho đến các dịch vụ bảo mật thuê ngoài của IBM. Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho biết, trước tình trạng báo động về an ninh mạng, CMC đặt mục tiêu nâng cao “sức đề kháng” của hệ thống công nghệ thông tin, ứng cứu kịp thời các sự cố an ninh mạng của doanh nghiệp. Do đó, CMC liên tục cập nhật công nghệ bảo mật và hợp tác với chuyên gia quốc tế .
Kỷ nguyên công nghệ số đang tạo ra nhiều cơ hội song cũng vô vàn thách thức về đảm bảo an toàn thông tin mạng. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các lực lượng an ninh đã và đang nỗ lực quyết tâm trong công tác an ninh, an toàn thông tin mạng. Liên kết và chủ động xây dựng phương án bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố cần được tất cả các cá nhân, tổ chức quan tâm thực hiện trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội.