Ông Ali Hakim, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Akamai, cảnh báo, thời điểm gia tăng sử dụng internet do dịch COVID-19 là cơ hội để tội phạm mạng tăng cường các hành vi đánh cắp dữ liệu của cá nhân và doanh nghiệp thông qua môi trường internet. Các cuộc tấn công mạng theo sát diễn biến dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Thống kê của Akamai cho thấy, những quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất cũng là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các hình thức tấn công mạng lợi dụng các yếu tố liên quan đến dịch COVID-19. Chính tâm lý lo sợ, bất an, bối rối cũng như mong mỏi tìm hiểu thêm những thông tin về dịch bệnh đã khiến nhiều người ấn “click” vào những đường link có chứa virus ẩn dưới dạng tài liệu, thông tin về dịch bệnh.
Mặc dù công nghệ bảo mật đang được cập nhật và nâng cấp từng ngày nhưng rõ ràng tội phạm mạng ngày càng thông minh và khó phán đoán hơn. Đầu tháng 4/2020, thông kê trên bộ công cụ an ninh mạng Microsoft Threat Protection (của hãng phần mềm Microsoft) đã phát hiện gần 60.000 thư điện tử (email) chứa các tập tin đính kèm hoặc mã URL độc hại liên quan tới COVID-19 được gửi đi mỗi ngày. Ngoài các hành vi tấn công lừa đảo, tin tặc còn lợi dụng việc có nhiều cuộc họp trực tiếp bị chuyển sang trực tuyến do dịch COVID-19 để thực hiện cuộc tấn công Zoombombing – tấn công vào các cuộc họp trực tuyến để làm gián đoạn hội nghị. Đầu tháng 5/2020, hẵng Google công bố, hãng đã chặn hơn 240 triệu thư rác có chủ đề về COVID-19 mỗi ngày và hơn 18 triệu thư lừa đảo, thư chứa mã độc.
Ở Việt Nam, hệ thống cảnh báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong 4 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận tổng cộng 1.056 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Cục An toàn thông tin đã có Công văn số 324/CATTT-NCSC gửi đến các các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị trong ngành tài chính, ngân hàng, tín dụng để cảnh báo nguy cơ tấn công chủ đích (tấn công APT) vào các cơ quan, tổ chức Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ thuộc Cục An toàn thông tin, các nhóm tin tặc tấn công có chủ đích vẫn bằng thủ đoạn đính kèm mã độc có chứa virus khai thác các điểm yếu, lỗ hổng để phát tán tập tin này qua hình thức thư điện tử. Tài liệu lợi dụng để phát tán mã độc ở mỗi thời điểm luôn được tin tặc lựa chọn kỹ lưỡng khiến nhiều người dùng dù được cảnh báo vẫn mở những đường link có chứa virus.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo: Trong bối cảnh tin tặc lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để gia tăng tấn công mạng, các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet cần triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm phát hiện, lọc, ngăn chặn hoạt động phát tán phần mềm độc hại, tin giả, thông tin vi phạm pháp luật xuất phát từ tài nguyên internet thuộc phạm vi quản lý.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện giám sát, phát hiện, cảnh báo và đề xuất xử lý các tin giả, thông tin vi phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các tin giả, thông tin vi phạm pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc giám sát an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, internet.