Theo kế hoạch, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ lắp đặt các mô-đun đầu tiên của công trình này trong khoảng thời gian giữa năm 2024 – 2026. Deep Space Gateway là trạm vũ trụ đầu tiên trên quỹ đạo Mặt Trăng.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời người đứng đầu Roscosmos, ông Igor Komarov thông báo bên lề Hội nghị Du hành Vũ trụ Quốc tế tại Australia hôm 27/9 cho biết: “Chúng tôi (Roscosmos và NASA) đã đồng ý cùng tham gia vào dự án xây một trạm Deep Space Gateway mới trên quỹ đạo Mặt Trăng”.
Quan chức này thông báo giai đoạn đầu của dự án bao gồm xây dựng phần quỹ đạo của trạm vũ trụ. Ông cho rằng các công nghệ trong dự án sau đó có thể được sử dụng trên bề mặt Mặt Trăng và sao Hỏa.
Bên cạnh đó, Deep Space Gateway là dự án mở khuyến khích các nước khác cùng tham gia, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Các bên đã thảo luận những đóng góp tiềm năng của họ đối với dự án.
Phần nhiệm vụ của Nga trong dự án khả năng là phát triển khoảng 3 mô-đun cho trạm không gian. Ngoài ra, các nhà khoa học Nga cũng cần tìm ra các điều kiện tiêu chuẩn để hệ thống neo đậu ngoài vũ trụ này có thể tiếp đón nhiều loại tàu không gian khác nhau.
Tuyên bố về dự án hợp tác chung này xuất hiện đúng thời điểm mối quan hệ giữa Moskva và Washington có chiều hướng xấu đi. Cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng như cách tiếp cận bất đồng của hai nước trong việc giải quyết các vấn đề ở Syria và Triều Tiên… là những trở ngại lớn giữa hai bên.
Tuy nhiên, khám phá vũ trụ, bao gồm các nhiệm vụ chung trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) lại là một lĩnh vực mà Moskva và Washington hợp tác được với nhau.