Lộ trình này đã được giới thiệu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị khoa học thực tiễn quốc tế lần thứ 15 “Các chuyến bay vào vũ trụ có người điều khiển” tại Trung tâm Huấn luyện nhà du hành vũ trụ mang tên Yu A. Gagarin.
Theo kế hoạch này, trong giai đoạn 2031 - 2040 dự kiến sẽ khởi động các chuyến thám hiểm có người lái, kể cả chuyến bay đổ bộ đầu tiên lên Mặt Trăng, tiến hành khai thác và sử dụng nước, oxy trên Mặt Trăng. Kế hoạch cũng bao gồm việc nghiên cứu địa chất để phát triển công nghệ sản xuất từ nguồn tài nguyên tại chỗ. Với mục đích này, các tổ hợp thí nghiệm, thiết bị khoan và khai thác sẽ được huy động.
Việc xây dựng một căn cứ Mặt Trăng được lên kế hoạch cho giai đoạn 2041 - 2050. Tiếp đó là kế hoạch khai thác khoảng không vũ trụ, bao gồm việc khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm và khởi động các chuyến thám hiểm vào không gian vụ trụ xa hơn. Điều này yêu cầu phải xây dựng trên Mặt Trăng các tổ hợp sản xuất và bảo quản các thành phần nhiên liệu, thiết bị lắp ráp trên quỹ đạo và các cơ sở tiếp nhiên liệu.
Viện sĩ Solovyov cũng cho biết hoạt động của Trạm quỹ đạo (ROS) tương lai của Nga trên vũ trụ dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2027. Theo ông Solovyov, việc triển khai công nghệ vũ trụ sẽ được thực hiện tại các cơ sở và sân bay vũ trụ mới, sẽ lập ra hệ thống giao thông và chương trình vũ trụ có người lái. Nga có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ quốc gia mới để thay thế ISS. Giai đoạn đầu của quá trình hình thành ROS được lên kế hoạch vào năm 2027 - 2030, việc xây dựng dự kiến hoàn thành năm 2032. Trước đó, ông Solovyov cho biết trạm có thể hoạt động trên quỹ đạo hơn 50 năm.
Chương trình Mặt Trăng của Nga được nối lại năm 2021. Tổng công ty tên lửa vũ trụ (RSC) “Energia” là nhà phát triển chính các mô-đun của Nga cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Công ty đảm bảo việc phóng và vận hành chúng trên quỹ đạo, cũng như phóng tàu vũ trụ vận tải có người lái thuộc dòng Soyuz và tàu vũ trụ vận tải chở hàng thuộc dòng Progress.