Lý do được đưa ra là để các kỹ sư có thêm thời gian để tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện dấu hiệu cảnh báo đỏ liên quan đến áp suất khí heli trong tàu ngay trước thời điểm tàu dự kiến được phóng lên.
Theo thông báo của NASA, vụ phóng sẽ được hoãn 24 giờ, dự kiến lần phóng tới sẽ diễn ra vào lúc 3h31 sáng 12/8 giờ địa phương (tức 14h31 cùng ngày giờ Hà Nội) nếu thời tiết thuận lợi.
Tàu Parker sẽ tiếp cận bầu khí quyển với nhiệt độ thiêu đốt của Mặt Trời, thực hiện sứ mệnh khám phá chưa từng có của nhân loại. Với việc tới gần Mặt Trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trong lịch sử, mục đích của chuyến thăm dò lần này là hé lộ bí mật về vành nhật hoa, khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời. Khu vực này nóng gấp 300 lần bề mặt của Mặt Trời và là nơi tán xạ bức xạ điện từ, gây ra bão Mặt Trời, thường làm tê liệt mạng lưới điện trên Trái Đất.
Trưởng nhóm khoa học của NASA, ông Thomas Zurbuchen mô tả Parker là một trong những "sứ mệnh quan trọng chiến lược" bậc nhất của cơ quan này.
Tàu Parker được đặt theo tên của nhà vật lý học Mặt Trời Eugene Parker, 91 tuổi, người đã phát hiện ra gió Mặt Trời và vành nhật hoa vào năm 1958. Ông Parker cho biết "rất ấn tượng" với tàu Thăm dò Mặt Trời Parker, và gọi đây là một "cỗ máy rất phức tạp".
Tàu Parker được chế tạo vô cùng phức tạp với một lớp vỏ bảo vệ dày tới 11,43 cm, giúp con tàu có thể vượt qua sức nóng khủng khiếp để tiến sát nhất bề mặt Mặt Trời ở khoảng cách dự kiến là 6,16 triệu km. "Tấm khiên" bảo vệ này có thể chống chọi được bức xạ tương đương gấp 500 lần bức xạ của Mặt Trời chiếu vào Trái Đất.