Lưu lượng mạng Internet sẽ tăng trưởng trên 20% mỗi năm

 Theo “Dự báo toàn cầu và ứng dụng dịch vụ của chỉ số mạng ảo Cisco trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018” (Cisco® Visual Networking Index™ Global Forecast and Service Adoption for 2013 to 2018), lưu lượng mạng IP (Internet Protocol) toàn cầu sẽ tăng gần gấp ba lần trong vòng 5 năm tới, do có nhiều người dùng và thiết bị truy cập vào mạng Internet hơn, tốc độ băng thông rộng lớn hơn và mức độ xem video trực tuyến cao hơn.



Lưu lượng IP toàn cầu của các kết nối cố định và di động được dự báo là sẽ đạt tới mức lưu lượng tổng cộng hàng năm là 1,6 zettabytes* – tức là hơn 1.500 tỷ gigabytes mỗi năm vào năm 2018. Lưu lượng IP hàng năm theo dự báo vào năm 2018 sẽ lớn hơn tổng lưu lượng IP từng được tạo ra trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 1984 – 2013 (1,3 zettabytes).



Các yếu tố cấu thành lưu lượng IP sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới. Trong giai đoạn dự báo, lần đầu tiên trong lịch sử mạng Internet, phần lớn lưu lượng sẽ phát sinh từ những thiết bị không phải là máy tính cá nhân (personal computers - PC). Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, lưu lượng Wi-Fi sẽ vượt qua lưu lượng mạng cố định và video độ phân giải HD (high-definition) sẽ tạo ra nhiều lưu lượng hơn so với video độ phân giải SD (standard definition).



Mạng Internet của vạn vật (Internet of Everything)cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đến năm 2018, số lượng kết nối giữa máy móc với nhau (machine-to-machine - M2M) sẽ bằng với dân số trên thế giới. Những chiếc xe hơi thông minh sẽ có khoảng 4 mô đun M2M trên mỗi chiếc.


Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ tạo ra nhiều lưu lượng IP nhất vào năm 2018, với 47,6 exabytes (chiếm 36% lưu lượng IP toàn cầu) mỗi tháng. Theo Dự báo Cisco VNI, các thiết bị và kết nối doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng tới 756 triệu thiết bị doanh nghiệp và 757 triệu kết nối M2M doanh nghiệp vào năm 2018 (phát triển ở mức CAGR 1,5% trong giai đoạn từ 2013 đến 2018).



Đến năm 2018, SMS di động doanh nghiệp sẽ có 231 triệu người dùng, và là dịch vụ di động doanh nghiệp có mật độ cao nhất. Đối với thiết bị và kết nối di động tiêu dùng, số lượng thiết bị/kết nối di động trên mỗi người dùng sẽ tăng trưởng với CAGR ở mức 3,3% trong giai đoạn từ 2013 đến 2018. Dịch vụ MMS tiêu dùng sẽ có 1,3 tỷ người dùng vào năm 2018, và là dịch vụ di động của người dùng có mật độ cao nhất.



Tới năm 2018, dịch vụ Internet nhà riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức cao nhất với 935 triệu người dùng video trực tuyến (phát triển với CAGR ở mức 10,3% trong giai đoạn từ 2013 đến 2018). Với dân số và số lượng thiết bị kết nối lớn nhất thế giới, mức độ sử dụng mạng ngày càng cao của khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ duy trì vị trí của nó như là khu vực tạo ra nhiều lưu lượng nhất từ nay đến năm 2018.


Khu vực Trung Đông và châu Phi (Middle East and Africa - MEA) sẽ tiếp tục là khu vực có lưu lượng IP phát triển nhanh nhất trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018 với tốc độ tăng trưởng tới 5 lần và CAGR ở mức 38%.Tới năm 2018, các quốc gia tạo ra nhiều lưu lượng nhất sẽ là Hoa Kỳ với 37 exabytes mỗi tháng và Trung Quốc với 18 exabytes mỗi tháng. Các quốc gia có tốc độ tăng trưởng lưu lượng IP nhanh nhất sẽ là Ấn Độ với CAGR ở mức 39% trong giai đoạn từ 2013 đến 2018, tiếp theo là Indonesia với CAGR ở mức 37%.


Thu Nguyệt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN