Liên Bang Nga hỗ trợ Việt Nam khảo sát địa lý, địa chất và hải dương học

Ngày 7/11, tại cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), tàu Viện sĩ Lavrentyev của Liên bang Nga đã đón 10 nhà khoa học Việt Nam từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng tham gia khảo sát hỗn hợp, nghiên cứu địa chất, địa vật lý và hải dương học trong vùng biển Việt Nam lần thứ nhất, từ nay đến hết tháng 11/2019.

Chương trình nằm trong lộ trình thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu biển giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga giai đoạn 2018-2025, được ký ngày 5/2/2018, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ninh Khắc Bản, Trưởng ban hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tặng hoa và quà gặp mặt cho đại diện các nhà khoa học Nga.

Tại buổi tiễn các nhà khoa học của hai nước tham gia chuyến khảo sát, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ninh Khắc Bản, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết: Chuyến khảo sát nghiên cứu địa chất, địa vật lý và hải dương học trong vùng biển Việt Nam góp phần củng cố sự hợp tác toàn diện với đối tác của Liên bang Nga; đặc biệt là các viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành thuộc Phân viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

“Chuyến khảo sát còn là điều kiện đặc biệt giúp Việt Nam phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo cán bộ nghiên cứu về biển, tăng cường sự hiện diện của cán bộ khoa học Việt Nam ở các vùng biển Việt Nam góp phần khẳng định chủ quyền trên biển”, ông Ninh Khắc Bản nhấn mạnh.

Tiến sĩ khoa học Renat Shakirov (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga), Trưởng đoàn khảo sát, cho biết, để thực hiện chuyến khảo sát lần này các nhà khoa học của hai nước có rất nhiều thời gian chuẩn bị trước đó. Chuyến đi dự kiến được trải rộng trên vùng thềm lục địa Việt Nam với quy mô khảo sát gần 140 điểm.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ khoa học Renat Shakirov, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga giới thiệu các thiết bị máy móc trong phòng thí nghiệm trên tàu Viện sỹ Lavrentyev cho các nhà khoa học Việt Nam. 

Tại đây, các nhà khoa học sẽ thực hiện đo đạc các trường địa vật lý từ trường, trọng lực, địa chấn nông phân giải cao, đo các tham số hải dương học trong môi trường nước biển, thu thập nhiều mẫu địa chất đáy biển, mẫu nước để phục vụ cho các nghiên cứu về địa chất, địa vật lý, địa hóa khí, môi trường biển và đánh giá tiềm năng dầu khí tại một số bể trầm tích trên thềm lục địa Việt Nam.

Khi chuyến khảo sát kết thúc, các nhà khoa học hai bên sẽ cùng nhau thực hiện các nghiên cứu chuyên đề và công bố một số lĩnh vực như: đặc điểm và dị thường các trường địa vật lý, xác định một số đặc điểm cấu trúc địa chất thềm lục địa; đặc điểm địa tầng địa chất khu vực thềm lục địa; đặc điểm địa hóa khí trong trầm tích và nước biển; đặc điểm trầm tích thềm lục địa Việt Nam; đặc điểm địa mạo đáy biển và một số đặc điểm hải dương học trong lớp nước bề mặt (nhiệt độ, độ muối, màu sắc nước biển).

Được biết, tàu Viện sĩ Lavrentyev, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, có trọng tải 2.400 tấn được trang bị các thiết bị nghiên cứu khảo sát địa chất biển, địa vật lý biển và hải dương học. Ngoài 10 nhà khoa học Việt Nam, chuyến khảo sát lần này còn có 25 nhà khoa học thuộc Viện Hải Dương học Thái Bình Dương của Liên bang Nga.

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Đề xuất xây dựng hai đề án liên quan đến địa chất Đồng bằng sông Cửu Long
Đề xuất xây dựng hai đề án liên quan đến địa chất Đồng bằng sông Cửu Long

Đề xuất xây dựng hai đề án liên quan đến địa chất Đồng bằng sông Cửu Long là nội dung chính của cuộc họp báo cáo nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực địa chất khoáng sản vào sáng 21/10, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN