Hợp tác quốc tế về hải dương học có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học ở Việt Nam. Đã có hàng trăm nhà hải dương học Việt Nam trưởng thành từ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Những cán bộ này không chỉ đạt được những bằng cấp nhất định mà còn là cầu nối cho các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Năng lực vừa là kết quả đồng thời là điều kiện cho hội nhập.Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia) cho rằng: Việt Nam chỉ thực sự hội nhập nếu có được đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và đóng góp trách nhiệm cho sự phát triển chung của lĩnh vực hải dương học khu vực và thế giới. Việc thiết lập mạng lưới khu vực về đào tạo và nghiên cứu khoa học biển là một chủ trương nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của UNESCO/IOC. Các trung tâm trong mạng lưới này thực hiện các chương trình đào tạo theo lĩnh vực thế mạnh của mình, đồng thời tổ chức các buổi đào tạo chuyên đề dựa trên mối quan tâm của các nước thành viên. Để hòa nhập khu vực, Việt Nam cần tích cực tham gia và từng bước đóng vai trò chủ động đối với sáng kiến của UNESCO/IOC về “mạng lưới khu vực các trung tâm nghiên cứu và đào tạo về hải dương học ở khu vực Tây Thái Bình Dương”.
Hội nghị khoa học quốc tế Phân ban Hải dương học Liên Chính phủ khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ IX tổ chức tại Nha Trang, tháng 4/2014. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Trên một phương diện khác, hải dương học Việt Nam có thể phát triển năng lực nếu biết cách “đứng trên vai người khổng lồ”. Một trong những phương thức để làm điều này là tạo điều kiện để các nhà hải dương học đầu ngành của khu vực và thế giới đến làm việc tại Việt Nam, qua đó cùng họ đồng hành trong nghiên cứu phát minh khoa học và phục vụ cho mục tiêu phát triển của Việt Nam. Muốn như vậy, Việt Nam phải chủ động xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, huy động sự tham gia của đồng nghiệp nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Cũng phải lưu ý rằng năng lực nội tại cần đạt mức độ nhất định để “không bị ngã” khi “đứng trên vai người khổng lồ”.
Các dự án, chương trình hợp tác quốc tế lớn trong lịch sử hải dương học đã thu thập một khối lượng khá lớn dữ liệu về Biển Đông. Hiện Trung tâm Dữ liệu Hải dương học Quốc gia đã tập hợp kết quả của 6.731 chuyến khảo sát ở Biển Đông với tổng số 149.000 trạm về điều kiện tự nhiên, nguồn lợi, tài nguyên và môi trường của vùng biển Việt Nam và lân cận. Nguồn dữ liệu này đã phục vụ đắc lực cho việc xây dựng bộ Atlas Biển Đông phục vụ quy hoạch phát triển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Ngoài ra, một lượng dữ liệu còn rải rác ở các cơ quan với các mục đích sử dụng khác nhau.
Tuy vậy, phải nhìn nhận một thực tế là việc trao đổi thông tin luôn bị coi là vấn đề nhạy cảm không chỉ giữa các quốc gia mà còn giữa các cơ quan trong nước. Do đó, một cơ chế mang tính nguyên tắc và đồng thuận cần được xây dựng và thông qua để có sự hợp tác tốt trong nước. Đối với khu vực, sử dụng thông tin chung từ quan sát đại dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho các hoạt động dự báo quy luật hải dương học, cánh báo tai biến thiên nhiên và nghiên cứu liên kết sinh thái giữa các vùng biển. Trao đổi thông tin là việc không thể thiếu nhưng phải hiểu rằng chúng ta chỉ có thể có thông tin từ bên ngoài khi cũng sẵn lòng cung cấp thông tin của mình ra bên ngoài. Cũng phải thấy rằng hợp tác quốc tế không thể có hiệu quả cao khi mà việc hợp tác giữa các cơ quan và tổ chức trong nước còn nhiều hạn chế.
Trao đổi dữ liệu là một chủ đề đang được IOC chú trọng, với quan điểm rằng trao đổi dữ liệu là chìa khóa để mang tri thức khoa học ở phạm vi địa phương đến với phạm vi khu vực và toàn cầu. Hiện nay, IOC cùng Ủy ban kỹ thuật về Hải dương học và Khí tượng biển đang thu thập và lưu trữ dữ liệu của hệ thống quan trắc mực nước biển toàn cầu (GLOSS) với 290 trạm. Các hoạt động khác nổi bật của IOC về lĩnh vực thông tin hiện nay còn gồm Ủy ban về trao đổi thông tin và dữ liệu quốc tế (IODE), hệ thống thông tin địa sinh vật đại dương (OBIS).
Ở tầm khu vực, Ủy ban tư vấn IOC/WESTPAC đã thảo luận về sự cần thiết xây dựng cơ chế và chính sách trong chia sẻ dữ liệu với sự hài hòa với chính sách, những hạn chế của các quốc gia thành viên. Hiện dự án thử nghiệm ODINWESTPAC đã được hình thành, với mục tiêu cung cấp một khuôn khổ nâng cao năng lực có hiệu quả, nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực về chia sẻ kết quả, thông tin-dữ liệu, tăng cường hợp tác với các khu vực khác và cung cấp dịch vụ thông tin- dữ liệu chủ yếu cho các nước thành viên và người sử dụng khác. Là một thành viên của IOC/WESTPAC, Việt Nam cần chủ động trong thảo luận và tham gia hoạt động trao đổi thông tin của khu vực Tây Thái bình dương trên đây.
Các quá trình hải dương học ở Biển Đông đều mang tính xuyên biên giới. Lãnh thổ các nước có thể phân chia nhưng Biển Đông với những đặc trưng hải dương và sinh thái là một vùng nước thống nhất, chịu chi phối của các quá trình diễn ra ở Tây Thái bình dương và thậm chí từ Ấn độ dương. Vì vậy, ngành hải dương học Việt Nam không thể hoạt động độc lập mà phải gắn kết với các mạng lưới quốc tế và khu vực về khoa học biển.
Trên phạm vi toàn cầu, IOC đang có các cơ chế điều phối như hệ thống cảnh báo và giảm thiểu sóng thần ở Thái bình dương (ICG/PTWS); hệ thống cảnh báo và giảm thiểu tai biến đại dương (TOWS-WG); hệ thống quan sát đại dương toàn cầu (GOOS) và Ủy ban kỹ thuật về Hải dương học và khí tượng biển (JCOMM). Đây là những mạng lưới mà Việt Nam đang tham gia với mức độ khác nhau và cần tăng cường hơn nữa trong thời gian tới. Ở Tây Thái bình dương, WESTPAC đang điều phối và thực hiện hai hệ thống quan sát đại dương ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á mở rộng, 9 chương trình nghiên cứu về các lĩnh vực nở hoa của tảo độc hại, sinh vật có độc tố, các loài xâm lấn, phục hồi rạn san hô, ứng dụng kỹ thuật viễn thám trong nghiên cứu hệ sinh thái biển. Sự hòa nhập của Việt Nam trong các chương trình này cần được duy trì và phát huy.
Trong khuôn khổ của Hội nghị Khoa học Quốc tế IOC/WESTPAC lần thứ IX (tháng 4/2014), Diễn đàn các Viện trưởng lần đầu tiên được tổ chức nhằm thống nhất định hướng các viện, trường và các cơ quan thực thi trong khu vực xây dựng và cải thiện mạng lưới hợp tác, trao đổi phương hướng phát triển, các thách thức về khoa học và công nghệ, thúc đẩy các hoạt động khu vực nhằm hướng tới các mục tiêu của IOC. Tất cả 20 Viện trưởng tham dự diễn đàn đã ký thỏa thuận về sự cần thiết và hướng tới thiết lập “mạng lưới quan sát và dịch vụ đại dương ở Tây Thái bình dương” (IPON). Việt Nam cần tích cực tham gia sáng kiến này.
Trong những năm qua, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các hội nghị, hội thảo quốc tế và các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới. Nhờ đó, một số công trình khoa học của cán bộ khoa Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây. Song cũng phải nhìn nhận rằng trong một thời gian dài, các tác giả Việt Nam hầu hết là người đồng tác giả với chủ biên là người nước ngoài. Vấn đề liên quan cả nguyên nhân chủ quan (thiếu ý tưởng và ỷ lại của phía Việt Nam) và khách quan (sự lạm dụng của phía nước ngoài). Những điều này cần được khắc phục không chỉ để thế giới biết về nền hải dương học Việt Nam, mà còn là trách nhiệm đóng góp khoa học của Việt Nam với khu vực và thế giới.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế ở Việt Nam là một con đường quảng bá hiệu quả. Một ví dụ gần đây nhất là việc tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế IOC/WESTAPC lần thứ IX tại Nha Trang từ ngày 22-25/4/2014. Hội nghị đã quy tụ được hơn 520 nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu biển đến từ 21 quốc gia bao gồm 13 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Thái bình dương và một số các quốc gia khác. Hội nghị đã được đánh giá là Hội nghị lớn nhất trong lịch sử IOC/WESTPAC, lập kỷ lục mới về số lượng đại biểu tham dự là sự kiện quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập tổ chức IOC/WESTPAC.
Thông qua việc tổ chức hội nghị, vai trò, trách nhiệm và năng lực của Việt Nam đối với lĩnh vực Hải dương học trong khu vực và trên thế giới đã được các tổ chức quốc tế và bạn bè các nước ghi nhận và đánh giá cao. Hội nhập quốc tế không cho phép các nhà khoa học Việt Nam chờ đợi đối tác xây dựng dự án và mời tham gia thực hiện trên vùng biển Việt Nam. Các nhà hải dương học và các nhà xây dựng chính sách của nước nhà nên xem xét thế mạnh khoa học và năng lực tài chính để xây dựng các dự án, chương trình nghiên cứu và mời đối tác tham gia ở các mức độ khác nhau (đóng góp tài chính, cử chuyên gia, tư vấn kỹ thuật.). Các dự án, chương trình theo mô hình này nên tập trung vào những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh nhất định và phục vụ cho các mục tiêu quốc gia. Việc tổ chức khảo sát quốc tế về đa dạng sinh học ở một vùng biển quan trọng nào đấy sẽ giúp Việt Nam củng có tư liệu phục vụ bảo tồn thiên nhiên, khẳng định chủ quyền quốc gia.
Nhà nước cũng cần đầu tư phát triển một số dự án thuộc các lĩnh vực mới nổi và mang tính ứng dụng cao trong hải dương học, nhằm đưa Việt Nam tiếp cận với thế giới hiện đại. Chẳng hạn như phát triển công nghệ nghiên cứu, quan sát và dự báo đại dương, ứng dụng viễn thám trong nghiên cứu hải dương học, năng lượng biển. Đây là những lĩnh vực có thể thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế và quốc gia phát triển.
Văn Hào