'Kỷ nguyên' của Flash đang dần khép lại

Với những ai đã sử dụng Internet từ giai đoạn còn sơ khai, nhiều khả năng họ vẫn nhớ tới Flash, một công cụ nền tảng và cũng là một ứng dụng đa phương tiện vô cùng phổ biến trên gần như mọi trang web. Nếu không có sự ra đời của điện thoại thông minh (smartphone), nhiều khả năng Flash vẫn còn thống trị đến tận ngày nay.

Nhưng với việc Google mới đây đã ra thông báo sẽ ngừng hỗ trợ Flash trên trình duyệt Chrome vào cuối năm 2020, tương đương với lộ trình “khai tử” ứng dụng này của chủ sở hữu Adobe, có thể nói thời đại của Flash đã thực sự đến hồi kết thúc.

Nhìn lại thời hoàng kim của Flash

Nhiều người biết đến Flash như một sản phẩm của công ty công nghệ Adobe. Nhưng nguồn gốc của nền tảng này đã có từ những năm 1990 và thuộc về một công ty có tên là FutureWave Software. Công ty này sau đó đã được mua lại bởi Macromedia, “đại gia” đứng đằng sau nhiều phần mềm thiết kế đồ họa và phát triển Web nổi tiếng.

Sau thương vụ trên, Macromedia đã “mạnh tay” chi tiền để cải thiện các dịch vụ của Flash, bao gồm thêm tính năng xây dựng video MovieClips cùng nhiều tính năng nổi trội khác, qua đó đưa công cụ này trở nên phổ biến hơn. Để rồi đến năm 2005, Adobe đã mua lại Macromedia và sở hữu các công cụ đa phương tiện gồm Flash, Dreamweaver, Director/Shockwave và Authorware của công ty này. Đây có thể coi là dấu mốc mang tính bước ngoặt của Flash.

Trong những năm sau đó, Adobe tiếp tục phát triển Flash – vốn đã là một tập hợp các ứng dụng - thành một công cụ nền tảng chạy video, âm nhạc, chơi game và nhiều hơn nữa cho các trang web. Nhiều máy tính đã được cài đặt sẵn Flash để người dùng có thể truy cập web nhanh chóng. Theo một ước tính của ngành công nghiệp, Flash đã được cài đặt trên nhiều máy tính hơn tất cả các trình phát đa phương tiện khác cộng lại - bao gồm Java, RealNetworks, QuickTime và Windows Media Player.

Nhưng vào năm 2007, “đế chế” Flash đã rung chuyển - ngay cả khi Adobe không nhận ra điều này vào thời điểm đó.

Bước ngoặt bất ngờ có tên “iPhone”

Tháng 6/2007, Steve Jobs, Giám đốc điều hành (CEO) của Apple khi ấy, đã chính thức giới thiệu ra thế giới mẫu iPhone đầu tiên  - một thiết bị mà ông nói sẽ hoạt động như một chiếc điện thoại, một trình phát đa phương tiện và quan trọng nhất là một trình duyệt Internet. Chính tính năng cuối cùng này sẽ khiến hàng triệu người dùng “săn đón” iPhone, đặc biệt là phiên bản 3G và 3GS.

Không giống như các phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Android hoặc Windows Mobile (sau đó là Windows Phone), hệ điều hành iPhone OS (sau này được đổi tên thành iOS) không hỗ trợ Flash.

Vị CEO của Apple sau đó đã viết một thư ngỏ nối tiếng có tên “Suy nghĩ về Flash”. Bức thư được công bố vào mùa Xuân năm 2010, trong đó Steve Jobs đã báo hiệu về “cái chết” của nền tảng này. Ông đưa ra một số bất bình với Flash, bao gồm bản chất độc quyền của nó, sự ảnh hưởng tiêu cực của công cụ này đến tuổi thọ pin của thiết bị và lịch sử bảo mật yếu của Flash. Đồng thời, Steve Jobs cũng đề cập tới thực tế rằng hầu hết các trang web đã và đang chuyển sang các định dạng khác để chạy các video – một điều vẫn còn diễn ra cho tới hiện tại.

Khi đó, Apple đã bắt đầu làm việc với các tiêu chuẩn mở của riêng mình, như dự án WebKit mã nguồn mở cung cấp công cụ chuyển đổi sang chuẩn ngôn ngữ đánh dấu HTML5. Theo Steve Jobs, những tiêu chuẩn mã nguồn mở mới được tạo trong kỷ nguyên di động, như HTML5, sẽ chiến thắng Flash trên các thiết bị di động và thậm chỉ cả trên máy tính cá nhân.

Trong bức thư ngỏ, cố CEO của Apple cũng “nhắn nhủ” với Adobe rằng họ nên “tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra các công cụ HTML5 tuyệt vời cho tương lai và bớt chỉ trích Apple vì đã bỏ lại quá khứ phía sau”.

Đáng buồn cho Flash, những lời của Steve Jobs ngày nào đã dần trở thành hiện thực.

Sự "khai tử" khó tránh của Flash

Trong những năm qua, HTML5 đã "trưởng thành", trở nên tiên tiến và ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Cùng với đó, các chuẩn mở khác như WebGL và WebAssugging đã xuất hiện, cho phép các công ty bỏ qua Flash mà vẫn có thể thêm các tính năng phong phú vào trang web của họ. Các tiêu chuẩn này cũng tỏ ra thuận lợi hơn Flash vì chúng có sẵn trong trình duyệt, thay vì là một công cụ đi kèm.

Tất nhiên, Flash vẫn tồn tại và được sử dụng thường xuyên nhất cho các trò chơi di động khi có rất ít nền tảng thay thế. Nhiều trò chơi mà hàng triệu người dùng smartphone vẫn “mê mẩn”, bao gồm Angry Birds, Farmville và AdventureQuest, đều phát triển dựa trên Flash.

Nhưng điều gì đến cũng phải đến. Năm 2017, chính Adobe đã thông báo sẽ “khai tử” Flash vào tháng 12/2020. Kể từ đó, hầu hết các nhà phát triển trình duyệt lớn như Mozilla (với trình duyệt Firefox), Microsoft (Edge) và Apple đều xác nhận sẽ dừng hỗ trợ Flash trên trình duyệt của họ trong khung thời gian tương tự.

Mới nhất, Google cũng đã lên tiếng về kế hoạch chấm dứt hỗ trợ Flash của Adobe. Trong bài đăng trên blog chính thức, Google cho biết chỉ năm trước, 80% người dùng Chrome trên máy tính để bàn truy cập tối thiểu một trang web có sử dụng Flash mỗi ngày. Ngày nay, con số trên chỉ là 17% và tiếp tục giảm.

Có thể nói, “cái chết” của Flash đã diễn ra trong thời gian khá dài và thậm chí vẫn chưa kết thúc. Nhưng không thể phủ nhận rằng công cụ này một thời là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống kết nối Internet là World Wide Web (WWW). Song ở hiện tại, tương lai của Internet đã “gọi tên” HTML5.

H.Thủy (TTXVN)
Doanh số điện thoại thông minh trên toàn cầu lần đầu tiên phục hồi sau 2 năm
Doanh số điện thoại thông minh trên toàn cầu lần đầu tiên phục hồi sau 2 năm

Theo công ty Strategy Analytics chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu và tư vấn thị trường, doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu trong quý III/2019 đã tăng ở mức 2% lên 366 triệu chiếc và là lần tăng đầu tiên kể từ quý III/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN