Đại diện VNPT cho biết, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, xử lý truyền tải, đảm bảo nguồn điện, đảm bảo duy trì cơ sở hạ tầng...
Đến ngày 14/9, dịch vụ di động VinaPhone đã được khôi phục 97% các cơ sở hạ tầng trạm di động và đảm bảo liên lạc thông suốt. Dự kiến, trước 20/9/2024 , mạng di động VinaPhone sẽ được VNPT cơ bản khắc phục.
Đối với dịch vụ băng rộng cố định (BRCĐ), VNPT đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục mạng truyền tải BRCĐ. Đến ngày 14/9 đã khôi phục 97,4% thiết bị truy nhập trên toàn mạng và thuê bao internet cáp quang đã hoạt động 1,91 triệu/2,13 triệu lúc trước bão (tương ứng 89,8%).
Về cơ bản các tỉnh, thành phố đã khôi phục trên 90% số thuê bao so với thời điểm trước bão, ngoại trừ các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều như: Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. VNPT đang bám sát tiến độ khắc phục của điện lực để thực hiện xử lý đảm bảo khôi phục thuê bao; dự kiến, VNPT sẽ khắc phục mạng BRCĐ trước 30/9/2024.
Đại diện nhà mạng MobiFone, Viettel cũng đang nỗ lực huy động nhân lực hoàn thành khôi phục các trạm phát sóng di động bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, bão số 3 đã gây mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố, với 6.285 trạm thu phát sóng di động của các nhà mạng bị ảnh hưởng. Đến ngày 13/9, vẫn còn khoảng 8% trạm phát sóng chưa khôi phục được.
Trên thực tế, ở thời điểm các trạm phát sóng bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nhà mạng bị mất trên 50% mạng lưới. Tuy vậy, trong quá trình khắc phục, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), dồn toàn bộ lực lượng từ các tỉnh không bị thiệt hại, tạo thành các nhóm khắc phục sự cố, ưu tiên việc khắc phục thông tin di động.
Các doanh nghiệp viễn thông đã điều các xe phát sóng di động, dùng đường truyền vệ tinh cho một số khu vực ưu tiên. Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng chỉ đạo nhà mạng chuẩn bị các xe phát sóng chuyên dùng, sẵn sàng phục vụ khi các tỉnh cần để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Sau khi khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, Bộ TT&TT sẽ có thống kê về tình hình thiệt hại đối với mạng lưới viễn thông, rút kinh nghiệm trong công tác khắc phục, ứng cứu với các sự cố thiên tai.
Việc nhiều trạm BTS bị chia cắt, mất điện, mất nguồn cung ứng xăng dầu do bão lụt là bài học kinh nghiệm cần rút ra sau cơn bão số 3. Điều này đòi hỏi các nhà mạng viễn thông cần xây các trạm BTS có khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cấp độ 4. Đó là những nhà trạm có thể chịu gió cấp 15, hoạt động ổn định không cần xăng dầu trong 7 ngày, với đường truyền dẫn cáp quang và viba. Đây cũng sẽ là nơi mà người dân có thể tìm đến để sạc pin điện thoại nhằm nối lại thông tin liên lạc.