Khó khăn xử lý chất thải điện tử

Theo các chuyên gia môi trường, cùng với sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghệ thông tin và thiết bị điện tử, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải điện và điện tử đang là thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia và khu vực. Tại Việt Nam, tỷ lệ gia tăng chất thải điện, điện tử ngày càng mạnh, nhưng hiện chưa có công nghệ xử lý đáp ứng được yêu cầu.

 

Tái chế thủ công


Hơn 30 năm qua, làng Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) giàu lên nhờ nghề tái chế pin, ắc quy, nhưng cũng từng ấy năm, làng đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh tật. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, 100% trẻ em của làng mang chì trong máu.

Điều tra hàm lượng chì trong đất ở làng Đông Mai.

Ngay từ đầu làng Đông Mai, đã thấy phế thải chất thành “núi”, chủ yếu là vỏ thiết bị điện tử, pin, ắc quy. Nước trong các cống, rãnh một màu đen kịt. Khói từ các cơ sở tái chế bốc lên mù mịt. “Mấy năm nay, một số hộ chuyển ra khu làng nghề tập trung còn đỡ, trước đây buổi chiều, khói tỏa mù mịt từ các cơ sở tái chế khiến làng lúc nào cũng như có sương mù”, ông Đ.V.A, một người dân cho biết.


Ông Nguyễn Văn Bải, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo, cho biết: Làng Đông Mai làm nghề tái chế pin, ắc quy từ hơn 30 năm nay. Thời kỳ cao điểm, cả làng có gần 200 hộ làm nghề, giờ còn khoảng 60 hộ. Trước kia người làng đi thu gom pin, ắc quy ở khắp các vùng mang về tái chế, hoàn toàn theo cách thủ công. Những hóa chất trong pin, ắc quy, chủ yếu là chì, được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng. Hóa chất gây ô nhiễm ở khắp các kênh mương, khiến nhiều diện tích của làng không cấy trồng được.


Không chỉ nước, đất, mà không khí ở Đông Mai cũng ô nhiễm trầm trọng. Nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường về mức độ ô nhiễm chì tại xã Chỉ Đạo cho thấy, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Có những thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần cho phép. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn là 4,61 lần.

Chì được đun thủ công sau khi tháo dỡ từ ắc quy cũ.


Năm 2009, dự án cụm làng nghề xã Chỉ Đạo được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, với diện tích 21 ha, nhằm tách những người làm nghề tái chế phế thải khỏi làng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện, nhưng hơn 40 hộ đã tự nguyện chuyển ra đó làm nghề, trong làng chỉ còn hơn chục hộ. Người làng tự mày mò để hạn chế ô nhiễm như làm tum che khói. Tuy nhiên do việc tái chế phế liệu vẫn chủ yếu theo phương pháp thủ công, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn hiển hiện.


Trẻ em nhiễm chì độc hại


Kết quả khảo sát năm 2012 của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) tại làng Đông Mai thật sự đáng giật mình. Đoàn đã làm xét nghiệm cho 109 bé, là con em những hộ dân trong thôn, mỗi gia đình một bé. Theo đó, hàm lượng chì trong máu của 109 bé đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép là 10Mg/dl. 24 bé sau đó được xét nghiệm lại máu tĩnh mạch, kết quả có 2 trường hợp có hàm lượng chì máu ở mức nguy hiểm, 17 trường hợp ở mức báo động, 4 trường hợp ở mức cao và 1 trường hợp ở mức ranh giới.

Những thỏi chì được đúc từ phế liệu điện tử.


Điều đáng nói, tất cả các bé nhiễm chì trong máu đều chưa đến 10 tuổi. Trong đó, những bé có hàm lượng chì thuộc mức nguy hiểm và báo động lại phổ biến từ 5 - 7 tuổi, có bé chỉ vừa 2, 3 tuổi như bé Lê Ngọc Chuẩn, con anh Lê Ngọc Hai, hàm lượng chì trong máu gấp hơn 7 lần mức cho phép. Hàng năm, anh Hai đưa Chuẩn lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lọc máu. Thế nhưng theo các bác sỹ, khả năng phục hồi hoàn toàn của Chuẩn là không thể. Bé sẽ phải đối mặt với các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc.


Còn bé gái Lê Phương Ly, con anh Lê Văn Quân, 4 tuổi, có hàm lượng chì trong máu là 73,16 Mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, cũng đã phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch. Nhiều bé khác, mới 2 -3 tuổi nhưng hàm lượng chì trong máu cũng gấp 6 -7 lần như Đỗ Hoàng Gia Bảo (3 tuổi), hàm lượng chì trong máu gấp 5,5 lần mức cho phép, bé Lê Gia Bảo (3 tuổi), hàm lượng chì gần 6 lần mức cho phép, Lê Viết Đức (2 tuổi), hàm lượng chì gấp hơn 5 lần mức cho phép.


Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ô nhiễm chì làm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi, tính tình và có nguy cơ di truyền sang đời sau. Trẻ em bị nhiễm độc chì lên tới 70mg/dl thì có nguy cơ hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong.

 

Theo PGS.TS Huỳnh Minh Hải (Viện Khoa học và công nghệ môi trường): Phân rõ trách nhiệm

Chất thải điện tử là dòng thải chứa nhiều chất độc hại có thể gây hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng như: PCBs, PBDEs, HBCDs… Những chất này rất khó phát hiện và độc hại, có thể gây di chứng đến thế hệ sau. Do vậy, cần phải có quy trình xử lý đảm bảo để xử lý triệt để. Tuy nhiên, đây lại là diều còn thiếu và yếu ở Việt Nam. Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề này vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. Do đó, cần phải phân định rõ vai trò và trách nhiệm như trách nhiệm của Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng và người thu gom, cơ sở tháo dỡ, tái chế...

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT): Từ năm 2015 sẽ thu hồi chất thải điện tử

Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013, quy định: Từ ngày 1/1/2015, các sản phẩm thải bỏ như ắc quy, pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, dầu nhớt… sẽ bị thu hồi, xử lý. Với quyết định trên, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ phải chịu trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý... Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2016, sẽ thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, sử dụng và thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ.

Thu Trang - Phạm Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN