Trước đó, kế hoạch phóng kính viễn vọng James Webb đã bị hoãn tới ba lần vì nhiều lý do khác nhau. Sự kiện này đã trở thành món quà Giáng sinh thiết thực dành cho các nhà khoa học đã chờ đợi ba thập kỷ để chứng kiến kính thiên văn lớn nhất với độ phân giải cao chưa từng có cất cánh vào không gian trên tên lửa đẩy Ariane 5.
Sau khi phóng khoảng 26 phút, thiết bị trị giá 9 tỷ USD, nặng hơn 6 tấn và lớn gần bằng một sân tennis này sẽ tách khỏi tên lửa để bắt đầu hành trình của mình. Trong một tháng tiếp theo đó, kính viễn vọng Webb sẽ di chuyển đến điểm nằm trong quỹ đạo Mặt Trời cách Trái Đất khoảng 1,6 triệu km, tức gấp 4 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Đường quỹ đạo đặc biệt sẽ giúp nó luôn thẳng hàng với Trái Đất khi cả hai cùng quay song song quanh Mặt Trời.
Kính thiên văn không gian James Webb là "thế hệ sau" của kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble. Đây là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy. Phần gương của nó có đường kính đến 6,5m, gấp ba lần so với kính Hubble, được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác. Nó lớn đến mức NASA phải gấp lại để lắp kính vào tên lửa.
Tuy vậy, kính thiên văn James Webb có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời là 1,5 triệu km tính từ Trái Đất, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 610 km kể từ năm 1990.
Giới khoa học kỳ vọng rằng thiết bị này sẽ giúp giải đáp các câu hỏi cơ bản về vũ trụ, quay ngược thời gian 13 tỷ năm trước. Kính thiên văn mới này cũng sẽ cung cấp thông tin mới về gần 5.000 hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời.