Một góc thành phố Đồng Hới. Ảnh minh họa: Tá Chuyên/TTXVN
Việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" ở tỉnh còn gặp nhiều hạn chế và khó khăn cần khắc phục như: Tiến độ ban hành một số văn bản chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến công tác triển khai thực tế; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong công tác phối hợp, thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; nhân lực thiếu và yếu trong các lĩnh vực hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ và năng lực chuyên môn; chưa nâng cấp được phòng Chuyển đổi số - Cơ yếu của Văn phòng Tỉnh ủy theo hướng dẫn của Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực và Tổ giúp việc cần phát huy vai trò, chức năng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, không để phát sinh “điểm nghẽn”, “rào cản” làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh khẩn trương hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW bảo đảm tính hành động, hiệu quả, đo lường được lộ trình cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; có cơ chế điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn, cập nhật thường xuyên.
Bên cạnh đó, Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh dẫn dắt, thúc đẩy tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống chính trị. Văn phòng Tỉnh ủy và các ban Đảng trực thuộc Tỉnh ủy tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình sớm hoàn thiện kế hoạch phát động phong trào “Bình dân học vụ số” và tổ chức lễ phát động tạo hiệu ứng lan tỏa trong tháng 5/2025.
Đảng ủy UBND tỉnh tiếp tục chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số. Đảng ủy UBND tỉnh nghiên cứu bố trí nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, dữ liệu, nền tảng số gắn với các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; xây dựng các chương trình mang tính đột phá, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026 - 2030.
Tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thu công nghệ mới, tự chủ về công nghệ, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh hiện đại, thông minh; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và nền tảng phần mềm chuyên ngành. Địa phương kết nối liên thông kho dữ liệu dùng chung, góp phần nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số toàn diện.
Sau hơn ba tháng triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo theo yêu cầu mới của Trung ương, thành lập Tổ giúp việc, phân công lại nhiệm vụ các thành viên, điều chỉnh Quy chế làm việc. Tỉnh triển khai Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng; xây dựng các kế hoạch hành động, kế hoạch phong trào “Bình dân học vụ số” và tổ chức quán triệt Nghị quyết số 57 đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với trên 18.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Hạ tầng số được đầu tư mở rộng toàn diện với 100% xã, phường đã có kết nối internet cáp quang; 4G phủ 98,1%, 5G tiếp cận 83% khu vực đô thị. Chính quyền số được vận hành hiệu quả với trên 99% văn bản hành chính cấp tỉnh xử lý qua môi trường mạng, dịch vụ công trực tuyến đạt 100% và gần 75% hồ sơ hành chính đã được số hóa.
Kinh tế số cũng có nhiều chuyển biến tích cực với trên 58% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong sản xuất.