Gia tăng hiệu quả sản xuất phụ trợ nhờ in 3D

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, công nghệ in ấn 3D sẽ có tác động đến ngành sản xuất giống như cách thương mại điện tử số hóa và chuyển hóa ngành bán lẻ.

Mới đây UPS (NYSE: UPS), nhà cung cấp dịch vụ logistics đã hợp tác với Fast Radius để mở nhà máy in 3D tại một cơ sở của UPS tại Singapore vào cuối năm nay. Mục tiêu của hợp tác này nhằm mở rộng hệ thống in 3D theo yêu cầu tới thị trường châu Á, đồng thời cho phép khách hàng tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng cùng với quá trình sản xuất phụ trợ. Đây được xem là nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp đầu tiên thiết lập hệ thống sản xuất và logistics sử dụng công nghệ in 3D theo yêu cầu ở khu vực này.

UPS cũng sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu giải pháp cấp cao ở châu Á để xây dựng một trung tâm ưu việt, phát triển giải pháp chuỗi cung ứng và thúc đẩy sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ in 3D với khách hàng. Doanh nghiệp có thể sử dụng nền tảng sản xuất theo yêu cầu của Fast Radius để sản xuất phụ tùng công nghiệp đã được xúc tiến vận chuyển thông qua mạng lưới giao thông toàn cầu và trong khu vực châu Á của UPS.

UPS và Fast Radius công bố sự hợp tác mở nhà máy in 3D tại Singapore.

Theo ông Lee Eng Keat, Giám đốc logistics Hội đồng Phát triển kinh tế Singapore, quyết định đặt nhà máy in 3D quốc tế đầu tiên tại Singapore khẳng định sự sẵn sàng hợp tác của quốc gia này với các đối tác logistics để phát triển các giải pháp sáng tạo cho chuỗi cung ứng. “Chúng tôi nhận ra rằng, quá trình sản xuất phụ trợ có khả năng chuyển đổi chuỗi cung ứng và giúp tăng cường phát triển các ngành công nghiệp logistics thông qua đổi mới mô hình kinh doanh, đồng thời tạo ra các giải pháp mới", Lee Eng Keat chia sẻ.


“Cụ thể, khách hàng có thể gửi yêu cầu in 3D trước 5 giờ chiều và phân phối sản phẩm tới các khách hàng của họ tại hầu hết các thành phố lớn ở khu vực châu Á chỉ trong vòng 24 giờ. Điều này đã tạo ra những thay đổi to lớn đến cách thức vận hành của các doanh nghiệp sản xuất tại Singapore và trong khu vực, đặc biệt là ở giai đoạn thử nghiệm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Michelle Ho, Giám đốc Điều hành UPS tại Singapore cho biết thêm. 


“Dĩ nhiên, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhờ sản xuất in 3D theo yêu cầu. Bởi ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ ngành sản xuất của Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo và mở rộng mạng lưới sản xuất theo yêu cầu trong khu vực châu Á. Có thể thấy, trong 4 tháng đầu năm nay Việt Nam đã thu hút được nguồn đầu tư 5,2 tỉ đôla cho lĩnh vực sản xuất và xử lý, nhiều nhất so với các lĩnh vực khác. Theo đó, việc thêm dịch vụ in 3D vào danh mục đầu tư, các nhà sản xuất địa phương sẽ có khả năng ảo hóa phụ tùng tồn kho tiêu thụ chậm, hoặc sản xuất số lượng nhỏ hơn mà vẫn đảm bảo tương quan hiệu quả và chi phí, từ đó đem tới hiệu suất lớn hơn cho chuỗi cung ứng", Daryl Tay, Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam nhấn mạnh.


Trước đó, vào tháng 5, UPS và SAP đã công bố một thỏa thuận đồng đổi mới về giải pháp tích hợp chuỗi cung ứng mở rộng của SAP và mạng lưới thiết bị kết nối internet (Internet of Things) với mạng lưới sản xuất và logistics phụ trợ của UPS, nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói “từ sàn sản xuất tới cửa khách hàng”. Theo đó, các công ty ảo hóa hàng tồn kho không những có thể tiết kiệm chi phí bằng cách giảm số lượng các phụ tùng “dự phòng” mà còn có thể sản xuất hiệu quả với chi phí ít hơn mà chất lượng không thay đổi, hơn nữa còn giảm thiểu thời gian vận chuyển bởi các phụ tùng được sản xuất ở những cơ sở gần nhu cầu hơn.


Một khi nhà máy này đi vào hoạt động, khách hàng có thể đặt hàng in 3D thông qua trang web của Fast Radius hoặc trực tiếp tới thăm nhà máy tại UPS House ở Singapore. Fast Radius sẽ gửi đơn đặt hàng tới cơ sở sản xuất tối ưu và hợp lý nhất tại Singapore hoặc Mỹ dựa trên các yêu cầu về tốc độ, vị trí địa lý và chất lượng sản phẩm. UPS có thể giao hàng sớm nhất là ngay trong ngày. Tại Mỹ, mạng lưới in 3D cũng bao gồm hơn 60 cơ sở UPS, cung cấp nhiều địa điểm in ấn và bao quát phạm vi địa lý rộng rãi.


Rick Smith, Giám đốc Điều hành của Fast Radius, cho rằng: "Việc UPS mở rộng quan hệ hợp tác với Châu Á là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về một nền tảng phân phối và sản xuất toàn cầu nhằm mục đích phục vụ cho ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh này. Theo dự đoán của Báo cáo Wohleres năm 2016, ngành công nghiệp in 3D sẽ tăng từ 5,2 tỉ đô la vào năm 2015 đến 26,5 tỉ đô la vào năm 2021. Báo cáo cho biết nếu công nghệ in 3D chỉ chiếm 5% ngành công nghiệp sản xuất thế giới, hàng năm, ngành này có thể đạt tới con số 640 tỉ đôla.”


Hải Yên
Xe buýt được sản xuất bằng công nghệ in 3D
Xe buýt được sản xuất bằng công nghệ in 3D

"Local Motors" - một hãng sản xuất xe tự lái mới của Mỹ, ngày 16/6 đã cho ra mắt loại xe buýt nhỏ tự lái có tên gọi Olli. Sản phẩm có sự phối hợp với siêu máy tính Watson của hãng IBM.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN