Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Steinmeier nhấn mạnh "nếu muốn thu lợi tức từ việc số hóa, chúng ta cần phải đầu tư đúng lúc để chuẩn bị cho mọi người có một thị trường lao động trong tương lai. Và cuộc đầu tư này chỉ có thể được cấp vốn nếu các công ty kỹ thuật số không trốn tránh trách nhiệm nộp thuế của mình.
Cũng theo Tổng thống Đức, để tài trợ cho quá trình chuyển giao kỹ thuật và giúp mọi người chuẩn bị một thị trường lao động, chúng ta cần đầu tư tập trung và nhiều hơn vào giáo dục, đảm bảo điều kiện làm việc tốt và các chính sách thị trường lao động tích cực".
Trong năm 2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất áp thuế thu nhập doanh nghiệp đặc biệt đối với các công ty kỹ thuật số tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước EU. Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Phát triển Liên bang Đức Gerd Mueller cho rằng "các công ty Internet khổng lồ" như Google, Facebook và Amazon vẫn đang kiếm được những khoản lợi nhuận "khủng", song đến nay hầu như những công ty này không phải trả bất cứ khoản thuế nào ở châu Âu.
Trả lời phỏng vấn của báo Spiegel, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz cho biết mặc dù gần đây có một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Tây Ban Nha và Áo, đã đưa ra một số hình thức thuế "kỹ thuật số" quốc gia, song Chính phủ Đức sẽ làm việc theo thỏa thuận quốc tế, đồng thời hy vọng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm cả Mỹ sẽ nhất trí về việc áp mức thuế tối thiểu đối với các công ty kỹ thuật số vào năm 2020.