Đột phá theo Nghị quyết 57: Để nguồn lực tư nhân đóng góp cho đổi mới sáng tạo

Để tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Chú thích ảnh
Nghị quyết 57 ra đời không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược mà còn định hướng bước đi cụ thể cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Các văn bản, chính sách chỉ đạo trên đều xác định rõ, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhất là nguồn lực tư nhân để góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Riêng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu quan điểm: “Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để kết nối khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, mang lại giá trị thực tiễn mạnh mẽ cho xã hội. Trong khi khoa học công nghệ đã được coi là quốc sách, thì đổi mới sáng tạo mới thực sự là yếu tố quyết định để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững trong nền kinh tế”.

Điểm sáng về đổi mới sáng tạo 

Những năm gần đây, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về đổi mới sáng tạo khi hợp tác, thu hút được các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ như NVIDIA, Marvell, Google, Meta, Cadence, Qualcomm, Siemen...

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 cho thấy, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 4 bậc so với năm 2023 (từ vị trí 57 lên 53). Tương tự, đầu ra đổi mới sáng tạo cũng tăng 4 bậc so với 2023 (từ vị trí 40 lên 36).

Cũng theo Báo cáo GII năm 2024, Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là (Trung Quốc xếp hạng 11, Malaysia xếp hạng 33, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hạng 37, Bulgari xếp hạng 38 và Thái Lan xếp hạng 41), còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Chú thích ảnh
Giao diện ứng dụng Zalo miniapp "Công dân số tỉnh Thái Bình". Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Điều này cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về Nguồn nhân lực và nghiên cứu.

Ông Daren Tang, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá: "Chúng tôi biết rằng, Việt Nam rất coi trọng sự đổi mới sáng tạo, đề cao giá trị của tài sản trí tuệ. Việt Nam đang sử dụng hiệu quả các công cụ để đo lường, đánh giá và khuyến khích đổi mới. Và càng đổi mới sáng tạo Việt Nam càng thu hút được thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao đến với mình".

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đã hình thành được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Đồng thời, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành. Đây được xem là nền tảng vững chắc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Đa dạng hóa nguồn vốn tư nhân 

Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết đưa ra là đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. 

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các đối tác công bố tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025, Việt Nam ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024. Mức độ tham gia của nhà đầu tư rất tích cực khi có tới gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm 2024 tại Việt Nam, chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.

Về vĩ mô, GDP của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đạt 7,1% trong năm 2024, vượt trội so với phần lớn các nền kinh tế châu Á. Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh và dự kiến đạt quy mô 1.100 tỷ USD vào năm 2035, gấp 2,5 lần so với hiện tại.

Đáng chú ý, Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm "nóng" của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới như đầu tư vào start-up trí tuệ nhân tạo (AI) tăng gấp 8 lần so với năm trước đó, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng gấp 9 lần, số lượng thương vụ đầu tư vào công nghệ xanh tăng gấp 2 lần.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu. Cùng với chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Theo Phó Thủ tướng, để hiện thực hóa các tiềm năng về kinh tế số, Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chính phủ sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. 

Ông Vinnie Lauria, thành viên Hội đồng Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam nhận định, hiện nay, Việt Nam đang có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, kỹ năng cao và rất chăm chỉ. Đối với góc độ nhà đầu tư, đây là những yếu tố để phát triển bền vững. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ. Đó là cho phép người Việt Nam sở hữu cổ phiếu của các công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty công nghệ; tạo thuận lợi cấp visa cho các chuyên gia vào Việt Nam làm việc cũng như đơn giản hoá thủ tục tại sân bay.

Chú thích ảnh
Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. VNPT Kon Tum đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, danh mục các dịch vụ số đặc biệt thông qua triển khai các nền tảng và giải pháp CNTT phục vụ chuyển đổi số. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chia sẻ ý kiến từ phía khối doanh nghiệp công nghệ, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Trí Nam cho rằng, ở bất cứ một đất nước nào, việc sản sinh ra của cải vật chất hàng ngày đều tập trung chính ở các doanh nghiệp tư nhân. Việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể là tất yếu và sẽ giúp GDP Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Để làm được điều này, cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, biến ý tưởng thành những doanh nghiệp start up rồi trở thành doanh nghiệp nhỏ, chúng ta sẽ có được một chuỗi kinh tế tư nhân, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần chung tay, liên kết với doanh nghiệp để có những sản phẩm tốt, môi trường kinh doanh phát triển, thu hút được nhiều nguồn vốn. Đối với doanh nghiệp công nghệ, trong bối cảnh cả nước triển khai Nghị quyết 57, mới đây là Nghị quyết 68, cần tập trung vào nghiên cứu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để ứng dụng được vào chuyển đổi số, nâng cấp các sản phẩm để thích ứng với điều kiện mới.

Thu Phương (TTXVN)
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 10 đổi mới quan trọng
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có 10 đổi mới quan trọng

Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật có 10 điểm mới quan trọng, tạo ra bước chuyển lớn trong các lĩnh vực chuyên ngành. Sau đây là 10 điểm mới quan trọng này:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN