Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan soạn thảo dự án Luật đang chuẩn bị hồ sơ theo trình tự để Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có đủ điều kiện đưa vào thảo luận tại Quốc hội và được thông qua; từ đó đảm bảo cam kết quốc tế của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Bộc lộ hạn chế trong thực tiễn
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đến nay, Luật đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Luật đã đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hóa thương mại; đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, thông qua Luật và các văn bản dưới Luật, Bộ đã công bố hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN; trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%. Hệ thống TCVN bao quát đầy đủ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao trình độ khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành trên 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).
Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Một số quy định trong Luật không còn phù hợp với thực tiễn như quy trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tại Luật khiến các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, bất cập khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; chưa có quy định về đánh giá tác động khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khiến một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau khi ban hành không phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp vì an toàn, thiên tai, dịch bệnh…
Hoạt động xây dựng, ban hành, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, quy định trong Luật hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật địa phương lại khá chung chung. Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở mang tính chất đối phó khiến công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thống kê, cập nhật thông tin, số liệu về tiêu chuẩn cơ sở. Việc này khiến công tác hậu kiểm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm về chất lượng liên quan tới tiêu chuẩn cơ sở, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tiến tới nội luật hóa cam kết quốc tế
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được sửa đổi với mục đích thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cùng với đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, nâng cao tính khả thi của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự án Luật được xây dựng dựa trên việc tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) được xây dựng dựa trên việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Việc xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp; góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Việc đưa vào sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.
Cùng với đó, nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Liên quan tới vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, trong năm 2024, Ủy ban sẽ tham gia thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Quá trình chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, đến nay, Tiểu ban Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã lên kế hoạch làm việc với cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa đổi tên gọi của dự án Luật là dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.