Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu vật lý thiên văn trong không gian 3 chiều (ASTRO 3D) thuộc Hội đồng nghiên cứu Australia đã thu thập dữ liệu từ hơn 10 năm qua. Được chính phủ tài trợ, trung tâm này hoạt động dưới sự hợp tác của 9 đại học trong đó dẫn đầu là Đại học quốc gia Australia.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện 1,08 triệu lượt quan sát đối với 920.000 ngôi sao, thông qua việc sử dụng máy quang phổ có hiệu suất và độ phân giải cao, được kết nối với kính thiên văn quang học lớn nhất Australia mang tên "Anglo-Australian Telescope (AAT)". Qua đó, các nhà khoa học thu thập được thông tin về các thành phần hóa học như carbon, nitrogen và oxygen trong các ngôi sao.
Dữ liệu này sẽ giúp các nhà khoa học nắm được cách thức các nguyên tố này được tạo ra trong các ngôi sao và đóng vai trò là dữ liệu cơ sở để giải thích nguồn gốc của "các khối xây dựng sự sống" (building blocks of life).
Theo nhà khoa học Emma Ryan-Weber, Giám đốc ASTRO 3D, dữ liệu nói trên được ví như "ADN của sao" chứa đựng thông tin "di truyền" về sự hình thành và phát triển của sao, do đó có thể được sử dụng để xác định nguồn gốc, độ tuổi và chuyển động của một ngôi sao để hiểu sâu hơn về cách thức hình thành thiên hà.
Ngoài ra, dữ liệu mới này cũng được sử dụng để đào tạo thế hệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp theo trong hành trình khám phá vũ trụ.