Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam
Mặc dù báo cáo của Wärtsilä Energy không đề cập riêng đến Việt Nam, nhưng các chiến lược và lộ trình được nêu ra trong báo cáo có thể ứng dụng được cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng quốc gia ngày càng gia tăng.
Theo phân tích từ báo cáo Wärtsilä Energy, các quốc gia cần phát triển năng lượng tái tạo với sự kết hợp của các công nghệ linh hoạt như pin tích trữ năng lượng và nhà máy điện linh hoạt. Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn và có thể tận dụng các nguồn năng lượng này, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió, để đóng góp vào mục tiêu Net Zero 2050.
Báo cáo chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo toàn cầu có thể giúp giảm được 20% phát thải CO2 vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam có thể đóng góp vào mục tiêu này nếu triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn tại các khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có bức xạ mặt trời cao và tiềm năng gió mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng khác trong việc sử dụng năng lượng sinh khối và năng lượng thủy điện, đặc biệt là ở các khu vực miền núi và các con sông lớn. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn nâng cao khả năng tự cung tự cấp về năng lượng của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.
Với mục tiêu Net Zero 2050 mà Việt Nam đặt ra, đó không chỉ là cam kết quốc tế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris mà còn là hướng đi cần thiết để phát triển bền vững. Do đó, mới đây Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức phê duyệt Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu đạt 50% công suất điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, hướng tới đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện như hiện nay, Việt Nam sẽ cần phải đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong những năm tới để không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Các lộ trình năng lượng tái tạo kết hợp với công nghệ linh hoạt như pin tích trữ năng lượng, nhà máy điện khí sẽ giúp quốc gia duy trì sự ổn định của lưới điện khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng lớn.
Ông Anders Lindberg, Chủ tịch Wärtsilä Energy, kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Wärtsilä cho biết, thế giới đang chạy đua trên con đường ngày càng hẹp để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển các giải pháp năng lượng sạch. Có lẽ, hành trình này sẽ đụng phải một số rào cản lớn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng truyền tải điện, chi phí đầu tư và công nghệ mới.
Giải bài toán thách thức chuyển đổi năng lượng
Theo ông Anders Lindberg, để thực hiện mục tiêu Net Zero 2050, các quốc gia cần tập trung vào việc phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với công nghệ linh hoạt và lưu trữ năng lượng. Báo cáo của Wärtsilä Energy đã đưa ra hai lộ trình chính để đạt được mục tiêu này.
Cụ thể, ở lộ trình 1 là năng lượng tái tạo kết hợp pin tích trữ năng lượng. Đây là giải pháp giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện vào các giờ cao điểm hoặc khi nguồn năng lượng tái tạo không thể cung cấp đủ năng lượng. Theo đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển các dự án pin tích trữ năng lượng tại các khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có nhiều tiềm năng gió và mặt trời.
Với lộ trình 2 là cân bằng linh hoạt, Việt Nam cần kết hợp các nguồn năng lượng tái tạo với công nghệ linh hoạt, bao gồm các nhà máy điện khí hoặc nhà máy điện linh hoạt chạy bằng nhiên liệu bền vững. Mục đích là duy trì sự ổn định của lưới điện trong những thời điểm năng lượng tái tạo không đủ đáp ứng nhu cầu điện. Các nhà máy điện khí linh hoạt có thể cung cấp điện khi các nguồn tái tạo không phát huy hiệu quả, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ.
Bà Malin Östman, Phó Chủ tịch, Phát triển thị trường và chiến lược Wärtsilä Energy chỉ ra rằng, việc triển khai các nhà máy điện linh hoạt giúp tiết kiệm tổng chi phí cho các hệ thống điện trong tương lai lên đến 42%, tương đương khoảng 65 nghìn tỷ EUR; đồng thời giảm 21% lượng phát thải khi tích hợp các nhà máy điện linh hoạt; giảm 88% lượng năng lượng bị lãng phí và giảm 50% công suất năng lượng tái tạo, diện tích đất sử dụng.
Tuy nhiên, cả 2 lộ trình trên vẫn gặp nhiều thách thức. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng truyền tải điện. Thực tế, việc nâng cấp hệ thống lưới điện tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn để tiếp nhận và phân phối năng lượng tái tạo từ các nguồn điện mặt trời, gió. Trong khi đó, lưới điện cần phải được cải thiện, mở rộng và nâng cấp mới có thể đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng cao, đặc biệt là ở các khu vực chưa có đủ hạ tầng.
Khó khăn thứ hai là chi phí đầu tư cao. Bởi việc đầu tư vào công nghệ mới như pin lưu trữ năng lượng, nhà máy điện linh hoạt và năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn lớn. Dự kiến, tổng chi phí phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ linh hoạt sẽ lên đến 155 nghìn tỷ Euro trong vòng 25 năm tới cho toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần một khoản đầu tư đáng kể để phát triển hạ tầng và công nghệ.
Thứ ba là việc đảm bảo tính ổn định. Mặc dù Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng lại thiếu ổn định do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (gió, nắng). Chính vì vậy, việc xây dựng các nhà máy điện linh hoạt và hệ thống lưu trữ năng lượng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ mới và hạ tầng truyền tải.
Để giải quyết bài toán trên, các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là những cơ chế ưu đãi thuế và trợ cấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng bền vững. Cụ thể, Việt Nam cần có sự tham gia của cả ngành công nghiệp, Chính phủ và người dân.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách và xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các công nghệ linh hoạt và lưu trữ năng lượng. Ngoài ra, cần triển khai các dự án thí điểm để chứng minh hiệu quả của các công nghệ mới, từ đó thu hút nguồn lực đầu tư cho việc chuyển đổi năng lượng bền vững.