Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án và tiềm năng về phát triển điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và liên quan.
Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%. Sản lượng điện phát của nguồn điện lũy kế năm 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12,75% hệ thống điện. Kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.
Việc phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua phát sinh một số sai phạm như: Một số dự án hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng đối tượng; công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình. Một số dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản, thủy lợi, đất quốc phòng; chưa đúng về trình tự, thủ tục hồ sơ về đất đai; đầu tư điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp…
Thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 về “Đề án Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" và Kết luận số 97-KL/TW tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án và Tổ Công tác thúc đẩy công tác này.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất và ý kiến đồng thuận của các bộ, cơ quan liên quan và 27 địa phương, Ban chỉ đạo và Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương, phương hướng tháo gỡ đối với các dự án điện năng lượng tái tạo. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã thảo luận làm rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Các đại biểu cho rằng, trong phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo một phần do đây là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai để xảy ra sai sót, thậm chí sai phạm. Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án tiếp tục được triển khai, đi vào hoạt động…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của đất nước ở mức 8%, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 ở mức 2 con số và bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Đối với năng lượng, cùng với thúc đẩy nhanh các dự án mới phải tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án tồn đọng, trong đó có các dự án điện năng lượng tái tạo để bảo đảm tăng trưởng nguồn điện gấp 1,5 lần tăng trưởng kinh tế, tức là từ mức 12% trở lên.
Theo Thủ tướng, với quy mô các dự án điện năng lượng tái tạo đã đầu tư lên đến 308.409 tỷ đồng, tương đương khoảng 13 tỷ USD, việc chậm trễ, không đưa các dự án vào khai thác sử dụng gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội; không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng.
Cho biết, những sai phạm trong phát triển điện năng lượng tái tạo thời gian qua phải được xử lý, khắc phục theo quy định, song không để các dự án ách tắc mà phải tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí tài nguyên của đất nước, nguồn lực lớn của xã hội, lãng phí thời gian và góp phần vào đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng…
Do đó, Chính phủ thống nhất, tích cực xây dựng phương án tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và được các bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Thành viên Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ý kiến; thống nhất rất cao về chủ trương, quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho các dự án điện năng lượng tái tạo nêu trên.
Trên cơ sở thống nhất của các bộ, cơ quan, địa phương, Bộ Công Thương báo cáo và Chính phủ đã thảo luận, thông qua với tỷ lệ 100%, thể hiện sự thống nhất rất cao với chủ trương, quan điểm, mục tiêu, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Đồng thời thể hiện thông điệp của Chính phủ là “kiên quyết xử lý, giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc, triển khai nhanh, phát huy hiệu quả cao nhất các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”.
Trên cơ sở quan điểm của Trung ương và ý kiến của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng thống nhất tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo theo hướng lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích về kinh tế - xã hội; hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh năng lượng quốc gia và hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư.
Theo Thủ tướng, việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bằng giải pháp kinh tế. Nếu pháp luật hiện hành có thay đổi, không gây ra hậu quả, không có hành vi tham nhũng thì không xử lý hình sự. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án được coi là hợp pháp khi được cấp có thẩm quyền đồng ý phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 ngay tình theo quy định pháp luật.
Thủ tướng thống nhất cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan.
Đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền do lỗi của doanh nghiệp và không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hướng giá ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, xử lý ngay vướng mắc theo thẩm quyền cho dự án trên nguyên tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đấy phải xử lý giải quyết, không được đùn đẩy trách nhiệm hoặc xử lý vòng vo; không để giải quyết khó khăn lại nảy sinh vướng mắc khó khăn; hoàn thành trước tháng 2/2025; nhấn mạnh, việc xử lý các vướng mắc phải công khai, minh bạch; nghiêm cấm việc xử lý vướng mắc để tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương; nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.