Tương lai không xa của chiếc Không lực Một siêu thanh
Theo CNN, công ty khởi nghiệp Exosonic ở bang California đã "lọt vào mắt xanh" của Ban giám đốc Cơ quan Không vận Tổng thống trực thuộc Không quân Mỹ (PE) do đang chế tạo một máy bay phản lực siêu thanh (supersonic) tầm thấp với vận tốc Mach 1.8. Tuần trước, Exosonic đã được giao hợp đồng phát triển một phương tiện vận tải siêu thanh có thể được sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một dành riêng cho Tổng thống Mỹ.
Trong tháng 8 cũng rộ tin tập đoàn Hermeus ở Atlanta - nơi đang thiết kế một máy bay siêu vượt âm (hypersonic) 20 chỗ, hứa hẹn đưa hành khách từ New York đến London chỉ trong 90 phút - đã nhận được sự đầu tư của cơ quan nói trên. Cụ thể, Hermeus đang hợp tác với Không quân Mỹ và PE để phát triển loại máy bay siêu vượt âm tốc độ Mach 5 nhằm hỗ trợ đội bay của tổng thống.
Năm ngoái, CNN từng đưa tin rằng, sau hơn 5 thập kỷ và 11 nhiệm kì Tổng thống, Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch thay đổi vẻ bề ngoài của chiếc Không lực Một theo chủ đề yêu nước. Và giờ đây, sau sự kiện thành lập Lực lượng Vũ trụ, chính quyền Mỹ đang tiếp tục thể hiện tham vọng không kém đối với phương tiện vận tải hàng đầu của họ.
Chiếc máy bay 70 chỗ ngồi của Exosonic có tầm hoạt động ấn tượng 8.000km và nhờ các kỹ thuật giảm âm, nó có thể bay với tốc độ gần gấp đôi vận tốc âm thanh mà không làm ảnh hưởng đến cư dân sống bên dưới.
Giám đốc điều hành của Exosonic, ông Norris Tie, cho biết trong một tuyên bố: “Tương lai cho du lịch siêu tốc trên toàn cầu là bay siêu thanh tầm thấp”. “Công nghệ giảm âm cho phép du khách bay với tốc độ siêu thanh mà không tạo ra tiếng ồn khó chịu cho người dưới mặt đất”, ông Tie nói thêm.
Vậy tốc độ siêu thanh mà ta đang nhắc đến là gì? Tốc độ Mach 1.8 tương đương khoảng 2.222 km/h. Do đó nguyên mẫu máy bay của công ty Exosonic hứa hẹn giảm một nửa thời gian bay so với các máy bay hiện nay. Exosonic sẽ phối hợp với Không quân Mỹ để trang bị thêm cho cabin máy bay các biện pháp an ninh, thiết bị liên lạc cần thiết cũng nội thất sang trọng cho phép các nhà lãnh đạo Mỹ và khách mời làm việc, nghỉ ngơi trên máy bay.
Theo trang Military.com, một nguyên mẫu siêu thanh của chuyên cơ Không lực Một có thể được ra mắt vào năm 2025. Người đồng sáng lập và CEO của Exosonic Norris Tie cũng xác nhận với CNN rằng công ty này hy vọng máy bay siêu thanh của họ sẽ cất cánh vào những năm 2030.
Năm 2019, tập đoàn Hermeus từng gây chú ý với kế hoạch phát triển một chiếc máy bay có tốc độ gấp đôi Concorde - phi cơ siêu thanh huyền thoại từng bay từ New York đến London trong chưa đầy 4 tiếng, nhưng đã thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương cuối cùng vào tháng 10/2003.
Bay siêu vượt âm
Bay siêu vượt âm thường được coi là đạt tốc độ Mach 5 trở lên, hoặc gấp năm lần tốc độ âm thanh. Vào tháng Hai năm nay, Hermeus đã thử nghiệm thành công một nguyên mẫu động cơ Mach 5, với thiết kế mới từ đầu.
"Tại Hermeus, chúng tôi đang tìm cách chế tạo máy bay siêu tốc nhanh hơn và rẻ chưa từng có", Skyler Shuford, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Hermeus, nói với CNN Travel. "Chúng tôi đã chế tạo một nguyên mẫu động cơ Mach 5 chỉ trong 9 tháng với giá chưa đến hai triệu USD”.
Các nhà đồng sáng lập Hermeus bao gồm các cựu nhân viên từ SpaceX - công ty khởi nghiệp tên lửa của tỷ phú Elon Musk, và Blue Origin - dự án không gian bí mật của Jeff Bezos (ông chủ Amazon). Tất cả bốn nhà sáng lập đã làm việc cùng nhau tại Generation Orbit, nơi họ từng phát triển máy bay siêu thanh và dòng máy bay X-plane mới nhất của Không quân Mỹ.
Và những thách thức
Mặc dù các hợp đồng nói trên là một bước tiến lớn đối với Exosonic và Hermeus, ông Paul Bruce, giảng viên cấp cao tại khoa Hàng không tại Đại học Hoàng gia London, lại tỏ ra thận trọng khi CNN hỏi ý kiến ông về dự án Hermeus.
“Thách thức lớn nhất đối với các chuyến bay siêu vượt âm là lực đẩy. Chúng ta đã thành công với các phương tiện bay nhỏ tốc độ siêu vượt âm bằng cách sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm, một loại động cơ phản lực tiên tiến. Điều này còn mang tính thử nghiệm và chúng ta còn cả chặng đường dài trước khi chứng kiến chúng được đưa vào máy bay chở khách”, ông Bruce cho biết thêm.
"Còn có nhiều khó khăn khác với việc bay nhanh một cách thường xuyên, nhưng chúng tôi có đủ khả năng kỹ thuật để làm điều đó”, chuyên gia Paul Bruce nói. “Vấn đề lớn hơn là tài chính và có lẽ là môi trường, bay với tốc độ nhanh như thế đốt cháy rất nhiều nhiên liệu và sẽ kém hiệu quả hơn nhiều so với việc bay chậm. Nhưng nếu có thị trường cho loại máy bay này, chúng tôi hoàn toàn có thể chế tạo ra nó”, ông cho hay.
Trong khi đó, CEO của công ty Hermeus, ông Skyler Shuford nhấn mạnh với CNN rằng, việc đưa Tổng thống Mỹ đi lại bằng tốc độ siêu vượt âm không phải là mục hàng đầu của công ty ông.
“Mặc dù tiềm năng một chiếc Không lực Một bay với tốc độ Mach 5 rất thú vị và tuyệt vời đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi đang tập trung vào việc hỗ trợ Ban Giám đốc cơ quan không vận tổng thống bằng cách tích hợp và chứng tỏ với họ sự cần thiết phải sở hữu chiếc máy bay đầu của chúng tôi trong vài năm tới”, ông Schuford cho biết thêm.
“Đối với Hermeus, việc này không chỉ đơn giản là chế tạo một chiếc máy bay siêu nhanh, mà điều quan trọng là công ty muốn hướng tới việc giữ vững vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực bay tốc độ cao”, ông kết luận.