Dịch vụ viễn thông truyền thống bão hòa
Doanh thu dịch vụ thông tin di động chủ yếu dựa vào các dịch vụ viễn thông truyền thống. Cụ thể, doanh thu từ thoại và SMS của các nhà mạng chiếm tới 76,6%.
Tuy nhiên hiện nay, dịch vụ viễn thông truyền thống đang bão hòa. Doanh thu từ dịch vụ dữ liệu của nhà mạng của Việt Nam mới đạt 23,4% tổng doanh thu, trong khi trung bình của thế giới đạt trên 43%. Bên cạnh đó, số thuê bao băng rộng di động chỉ đạt 61,41% (xếp hạng khoảng 90 thế giới, và xếp thứ 9 khu vực, thấp hơn trung bình thế giới là 69,3%).
Với chính sách chống SIM rác, số lượng thuê bao điện thoại di động hiện đạt hơn 125,8 triệu thuê bao (giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao chiếm 48,7 % tổng số thuê bao di động.
Theo Cục Viễn thông, trong nhiều năm liền, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất là Vinaphone, MobiFone, Viettel luôn chiếm trên 90%, riêng năm 2019 tăng cao nhất lên tới 96,2%. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 3,8% thị phần.
Nhận xét về thị trường viễn thông, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: Trong năm 2019, các dịch vụ viễn thông truyền thống đang suy thoái. Cụ thể dịch vụ thoại giảm 18% trong năm 2019. Trong khi đó, dịch vụ data tăng gấp 3 lần, nhưng doanh thu không tăng tương ứng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, xu hướng của thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT (liên kết vạn vật), các dịch vụ xuyên biên giới. Bên cạnh đó, thế giới đã xuất hiện nhiều bối cảnh mới mà có thể có tác động rất lớn đến các dịch vụ hạ tầng viễn thông như: Hệ thống WiFi Free của Google Station, hoặc thế hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp cung cấp Internet giá rất rẻ đến hộ gia đình.
Dịch vụ số - thời kỳ mới của doanh nghiệp viễn thông
Đứng trước tình hình dịch vụ viễn thông truyền thống bão hòa, từ năm 2019, các doanh nghiệp viễn thông chuyển mạnh sang phát triển dịch vụ số. Các doanh nghiệp viễn thông đang tiên phong trong chuyển đổi lĩnh vực viễn thông thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số.
“Với thế mạnh như mạng lưới rộng khắp, hạ tầng có sẵn, đây là giai đoạn mà các công ty viễn thông có cơ hội để vượt qua những điểm yếu như cạnh tranh kém hiệu quả, chất lượng dịch vụ kém trung bình thế giới, nhiều loại rác viễn thông… để tận dụng các cơ hội chuyển đổi số, chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng thanh toán… đối phó hiệu quả với các nguy cơ tụt hậu và các mối đe doạ từ cạnh tranh xuyên biên giới. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư trước cho hạ tầng tiên tiến (như 5G, IoT, AI…), thúc đẩy cạnh tranh bằng chất lượng, tự đầu tư xây dựng các biện pháp bảo đảm an toàn, tự làm sạch, tự điều chỉnh. Thực hiện chuyển đổi số DN và từ đó dẫn dắt chuyển đổi số ngành, phục vụ chuyển đổi số quốc gia”, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết.
Đơn cử như tại VNPT, năm 2019 là năm đầu tiên VNPT bước vào cuộc cách mạng chuyển đổi số, thực hiện “VNPT 4.0”. Các dịch vụ định hướng phát triển theo dịch vụ số tăng trưởng mạnh. Dịch vụ fintech (công nghệ tài chính) với ứng dụng VNPT Pay đạt dòng tiền giao dịch tăng gấp 60 lần.
VNPT đã triển khai thành công trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai Chính phủ điện tử. Đồng thời, VNPT triển khai bộ sản phẩm Chính phủ điện tử (tại 53 tỉnh, thành phố); Phần mềm VNPT-iOffice đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh sử dụng; Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet tại UBND TP. Hồ Chí Minh và gần 150 đơn vị; Trung tâm điều hành thông minh IOC tại Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và đang xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; Giải pháp du lịch thông minh cho gần 50 tỉnh, thành phố; Giải pháp quản lý VNPT-HIS triển khai tại gần 55% cơ sở y tế trên toàn quốc…
Song song với đó, VNPT thực hiện đột phá đầu tư hạ tầng cho mạng di động, băng rộng cố định, dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ số. Trong đó, triển khai hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin theo định hướng hội tụ, tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng điện toán đám mây, tập trung nguồn lực vào hình thành nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và fintech, đồng thời phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT Digital Ecosystem...
Trong khi đó, MobiFone cũng đã số hóa rất nhiều tác vụ điều hành trong nội bộ như E-office, phần quản trị ERP (hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) và đặc biệt là toàn bộ cơ sở hạ tầng cũng như toàn bộ điểm giao dịch với khách hàng đều có lộ trình số hóa tự động. MobiFone đang tiến tới sử dụng công nghệ 4.0, IoT để tự động hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng cũng như các điểm giao dịch khách hàng.
MobiFone cũng đang chuyển dịch từ dịch vụ viễn thông sang kết nối ICT (công nghệ TT&TT), sẽ triển khai một platform (nền tảng điện toán) riêng biệt để cung cấp cho tất cả khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp. Các dịch vụ mới mà khách hàng có thể sử dụng bao gồm IoT, các dịch vụ liên quan đến những hệ sinh thái khác nhau như kết nối tới hệ thống trung tâm điều hành quản trị Chính phủ điện tử, các dịch vụ về an ninh, năng lượng, chăm sóc y tế tại gia đình, doanh nghiệp… Với nền tảng như vậy, MobiFone kỳ vọng sẽ đóng góp mạnh mẽ cho lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia.
Theo Cục Viễn thông, các hạ tầng, dịch vụ số từ năm 2019 đến nay đã có bước phát triển mạnh. Doanh thu từ dữ liệu của các nhà mạng tăng lên khoảng 30% tổng doanh thu dịch vụ. Thị trường điện toán đám mây đạt doanh thu khoảng 220 triệu USD với khoảng 20% giải pháp nội địa, 80% là bán hàng cho các doanh nghiệp ngoại, Tốc độ tăng trưởng 40%/năm; nền kinh tế Internet được đánh giá có quy mô 12 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 38%/năm.
Để chuẩn bị hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, triển khai chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2020, các doanh nghiệp viễn thông tập trung thúc đẩy phát triển các hạ tầng số quan trọng. Trước tiên là hạ tầng điện toán đám mây (cloud) trong nước như: Xây dựng chương trình ứng dụng cloud cho Chính phủ điện tử với các tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng thông tin cao nhất, sử dụng các giải pháp nội địa, tự làm chủ. Đưa tỷ lệ giải pháp nội địa từ khoảng 18% hiện nay lên trên 25% trong năm 2020, đạt doanh thu các giải pháp nội địa khoảng 80 triệu USD, tốc độ tăng trưởng đạt 40%.
Đối với hạ tầng IoT, các đơn vị thúc đẩy triển khai dịch vụ IoT trên nền mạng viễn thông di động toàn quốc thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, khung hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), cấp phép triển khai thực tế các công nghệ IoT tiên tiến như NB-IoT, LTE-M… để làm nền tảng phát triển các dịch vụ nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh…
Đới với hạ tầng tài chính điện tử, Cục Viễn thông thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc hướng dẫn 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm dịch vụ mobile money với hơn 100.000 điểm phục vụ; 5 triệu tài khoản; đạt doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu đưa ra cách thức quản lý cho phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để mở rộng không gian cho hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông từ hạ tầng viễn thông truyền thống chuyển đến các hạ tầng số, phát triển dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.